- Văn phòng theo mô hình Hybrid đang được ưa chuộng trên thế giới, không chỉ mang lại sự tiện lợi cho nhân viên, mà nó còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bởi việc hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành. Nhưng Hybrid offices có nghĩa là gì, và chúng khác với Flexible offices như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp những khác biệt đó và một vài góc nhìn tương lai của văn phòng Hybrid mô hình tại Việt Nam.
Mô hình Hybrid Work là gì?
Hybrid Work (tạm dịch làm việc kết hợp) là một thuật ngữ mô tả mô hình mà nhân viên có thể phân chia thời gian làm việc của họ tại văn phòng hoặc làm việc tại nhà. Theo thiết kế, phong cách này thúc đẩy sự linh hoạt và thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân viên hoàn thành tốt nhất công việc tại chỗ và từ xa. Mô hình Hybrid Work là một chính sách cực kỳ linh động, cho phép cho mọi người lựa chọn nơi (và thời gian) làm việc. Chúng ta có thể gọi đây là sự kết hợp giữa làm việc tại nhà và văn phòng. Nhân viên có thể chủ động thiết lập lịch trình, địa điểm làm việc; trong một tuần có thể chia ba ngày làm tại nhà và làm tại văn phòng hai ngày, hoặc có thể chọn làm việc toàn thời gian tại nhà hoặc văn phòng. Điều này có nghĩa các phòng ban từng có mặt đầy đủ ở công ty thì hiện tại sẽ chia ra làm việc theo nhóm kết hợp. Nhân viên sẽ kết nối công việc với nhau thông qua các ứng dụng công nghệ khác với một không gian mang tính chất vật lý thông thường.
Do đây là những khái niệm tương đối mới và còn đang phát triển, quan trọng hơn hết là chúng ta hiểu được ý nghĩa của Hybrid và Flexible Work. Flexible Work chủ yếu dựa trên giờ làm việc và cách thức điều chỉnh 9 đến 5 truyền thống để tạo ra sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cho thuê Thương mại của Savills Việt Nam cho biết: “'Làm việc tại bất cứ nơi đâu' là câu thần chú mới trong mô hình làm việc thời kỳ hậu đại dịch. Khi các nhà tuyển dụng và các doanh nghiệp cân nhắc cách tốt nhất để bình thường hoá khi để nhân viên của họ trở lại văn phòng, việc phân bổ công việc theo mô hình văn phòng kết hợp hay linh hoạt sẽ giảm bớt yêu cầu di chuyển, lịch làm việc chủ động hơn, bên cạnh đó nhiều công ty nhận ra họ có thể tối thiểu một số các chi phí trong dài hạn."
![]() |
Ảnh minh họa |
Hybrid Offices và Flexible Offices
Flexible Offices hay còn gọi là văn phòng linh hoạt bao gồm văn phòng dịch vụ, văn phòng quản lý, văn phòng chia sẻ và không gian làm việc chung. Trong khi đó, Hybrid Offices là sự sắp xếp trong đó các nhà quản trị và nhân viên đôi khi làm việc cùng nhau trực tiếp tại văn phòng và đôi khi làm việc từ xa. Với ý tưởng là cung cấp điều kiện tốt nhất của người lao động và người sử dụng lao động.
Thông thường, với các giải pháp văn phòng linh hoạt, nhiều công ty chia sẻ chung một mặt bằng, không gian văn phòng các và tiện ích. Như vậy, người thuê mặt bằng tiết kiệm được chi phí trong khi sử dụng không gian và các tiện ích một cách thoải mái mà không bị hạn chế. Tuy nhiên, các văn phòng chia sẻ như vậy có hạn chế về số lượng doanh nghiệp sử dụng chung. Chủ yếu được ưa chuộng bởi các công ty start-up và các công ty nhỏ với số lượng nhân viên không nhiều và có tính chất công việv linh hoạt như lĩnh vực IT hoặc các công ty làm theo dự án.
Tuy nhiên, mô hình chia sẻ không thể áp dụng cho các công ty, tập đoàn lớn có văn hóa công ty lâu đời. Các công ty này nên cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp văn phòng kết hợp, vì nếu một công ty qui mô rất lớn thì văn phòng linh hoạt sẽ không phù hợp vì chi phí có thể sẽ quá đắt.
Mô hình văn phòng kết hợp đi kèm với những thay đổi trong thiết kế, lịch làm việc và thói quen văn hoá. Nhân viên sẽ có sự lựa chọn làm việc từ xa hoặc tại văn phòng và các công ty muốn đảm bảo duy trì các dịch vụ, quy trình làm việc và phương pháp quản lý của mình. Thông thường, loại hình kinh doanh sẽ xác định loại mô hình kết hợp mà một công ty có thể áp dụng.
Ví dụ: các công ty có thể áp dụng tỷ lệ làm việc trực tuyến hoặc ngoại tuyến như 50-50, 70-30, hoặc có thể đặt một lịch trình làm việc linh động phù hợp với nhu cầu của từng lĩnh vực.
Nhu cầu lựa chọn Hybrid Offices tại Việt Nam
Nhận xét về nhu cầu đối với các mô hình Hybrid Offices tại Việt Nam, bà An cho biết: “Mọi người vẫn còn một chút do dự về mô hình làm việc mới này. Tuy nhiên, trong thời gian đóng cửa vì dịch gần đây, nhiều công ty đã phải thích nghi và thay đổi cách thức hoạt động. Một khi công ty đã quen với những cách làm việc kết hợp, thì những thay đổi dài hạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các văn phòng kết hợp đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh đồng thời mang lại cho người lao động sự an tâm và cân bằng giữa công việc và cuộc sống theo một cách lành mạnh hơn.
Nếu các doanh nghiệp chuyển đến một văn phòng Hybrid, họ có thể trải nghiệm một môi trường mới và điều này mang lại cơ hội khám phá những cách thay thế phong cách làm việc truyền thống trước đây.”
Sự chuyển dịch sang mô hình Hybrid Offices
Khi nói về quá trình chuyển dịch từ văn phòng truyền thống sang mô hình Hybrid Offices và tương lai của mô hình này, bà An cho biết: “Khi triển khai các giải pháp văn phòng kết hợp, các doanh nghiệp cần xem xét cơ sở hạ tầng công nghệ. Điều này bao gồm cách thức quản lý hành chính và các thiết bị hỗ trợ làm việc từ xa, tất cả phải được tiêu chuẩn hóa để đảm bảo một mô hình Hybrid tối đa hiệu quả.”
Tóm lại, việc chuyển đổi sang văn phòng Hybrid là một xu hướng tự nhiên và chắc chắn sẽ diễn ra trên qui mô rộng rãi trong tương lai gần. Mô hình này có thể được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp và các công ty với quy mô khác nhau miễn là duy trì được các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Điều quan trọng, các giải pháp lựa chọn Hybrid Offices là mang cá tính riêng duy nhất và những gì phù hợp với công ty này sẽ không nhất thiết có hiệu quả với công ty khác ”.
P.V