– Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc...
Công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tháng 11 tăng thấp hơn so với tháng trước chủ yếu do nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản xuất khẩu giảm như: thủy sản, cà phê, chè, gạo, nguyên nhân do mới quay lại SX nên các doanh nghiệp chưa khôi phục 100% công suất và thiếu hụt nhân công.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công Thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19.
Các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,1% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 39,8%; gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 13,25 tỷ USD, tăng 20%; hàng dệt và may mặc ước đạt 28,89 tỷ USD, tăng 7,1%; giầy dép các loại ước đạt 15,54 tỷ USD, tăng 3,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 45,05 tỷ USD, tăng 11,9%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 51,97 tỷ USD, tăng 11,6%...
Trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; Thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% và chiếm 11,9% xuất khẩu của cả nước; Thị trường ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước; Thị trường Hàn Quốc ước đạt 19,98 tỷ USD, tăng 14,6%; Thị trường Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
“Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc...”, Bộ Công Thương cho biết.
Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước đó (kim ngạch nhập khẩu tháng 10 giảm 1,7% so với tháng trước). Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do khôi phục SX nên các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ SX. Bên cạnh đó nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ các dịp noel và đón năm mới.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%.
Đối với nhóm hàng cần nhập khẩu, do sự hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp sản xuất nên kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 11 ước tính đạt 26,47 tỷ USD, tăng 13,2% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước tính đạt 265,96 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,52 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 32,89% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tiếp theo là các thị trường gồm: Hàn Quốc đạt 50,32 tỷ USD, tăng 20,3%; ASEAN đạt 36,96 tỷ USD, tăng 36,1%; Nhật Bản đạt 20,27 tỷ USD, tăng 10,1%; EU đạt 15,53 tỷ USD, tăng 18,2%; Hoa Kỳ đạt 14.24 tỷ USD, tăng 14,6%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi ước tính xuất siêu 100 triệu USD (tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD). Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 225 triệu USD (10 tháng xuất siêu 160 triệu USD).
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc…
Yến Nhi