- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc hạn chế tiếp xúc và sử dụng các ứng dụng công nghệ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Sử dụng chữ ký số được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, di chuyển, doanh nghiệp không cần gặp gỡ nhau, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý.
Chữ ký số giúp doanh nghiệp rút ngắn… khoảng cách địa lý
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đã tạo ra những tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển của các doanh nghiệp. Và dịch vụ chữ ký số là một trong những loại hình xuất hiện kịp thời và cần thiết trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ như hiện nay.
Có thể thấy, hiện nay, chữ ký số không còn là một khái niệm mới đối với doanh nghiệp cũng như cán bộ xuất nhập khẩu và kế toán thuế, bởi tính ứng dụng sâu trong kê khai hải quan điện tử và thuế điện tử.
Chỉ cần gõ từ khóa “chữ ký số” trên công cụ tìm kiếm, số lượng kết quả tìm thấy chỉ trong 0,25 giây lên đến con số 1.210.000 với vô số các nhà cung cấp đi kèm nhiều hình thức khuyến mại vô cùng hấp dẫn. Điều này minh chứng cho tính thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Chữ ký số được hiểu như là bộ phận của chữ ký điện tử để sự xác định chứng thực chủ thể của văn bản điện tử như dữ liệu thông tin, hình ảnh, bản fax, báo cáo… thông qua các phương pháp kỹ thuật.
Với những tính năng trên, chữ ký số đang được xem là công cụ có rất nhiều ưu điểm, và việc sử dụng chữ ký số là một biện pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp bởi thủ tục nhanh gọn, không cần trực tiếp ký tay.
Theo đó, chữ ký số có thể thay thế chữ ký tay trong tất cả các trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước như phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng…
Không những vậy, chữ ký số còn tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công, di chuyển, doanh nghiệp không cần gặp gỡ nhau, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý.
Đặc biệt, chữ ký số đảm bảo tính chính xác, bảo mật dữ liệu. Bởi, chữ ký số là bằng chứng cho các giao dịch điện tử, nội dung đã ký kết, các bên không có cơ sở phủ nhận chữ ký của mình khi đã thực hiện việc ký số.
Điều này sẽ làm giảm đáng kể tình trạng giả mạo thông tin như các cách thức truyền thống. Mặt khác, chữ ký điện tử cũng giúp đảm bảo giá trị hợp đồng, ngăn chặn tình trạng chối bỏ trách nhiệm hoặc bỏ ngang trong các giao dịch.
Hiện nay, chữ ký số được sử dụng phổ biến trong việc kê khai thuế, báo cáo thuế Giá trị gia tăng, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo tài chính…
Chữ ký số phát huy hiệu quả trong công tác điều hành
Trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay, sử dụng chữ ký số để xác thực các văn bản điện tử khi giao dịch, xử lý qua mạng trở thành nhu cầu thiết yếu. Chữ ký số và giao dịch điện tử giúp cho quá trình chuyển phát, lưu trữ và xử lý được nhanh chóng và tiết kiệm.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng chữ ký số là một yếu tố không thể thiếu để xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính. Riêng đối với doanh nghiệp, chữ ký số là công cụ hữu hiệu trong giao dịch với các cơ quan nhà nước thông qua các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch với các đối tác và khách hàng của mình.
Việc ứng dụng chữ ký số giúp tiết kiệm chi phí (chi phí mua giấy in, mực in, chi phí và thời gian gửi văn bản); giảm thiểu sức lao động trong công tác quản lý, bảo mật dữ liệu cá nhân và dữ liệu chuyên môn; giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân và doanh nghiệp; quan trọng nhất là minh bạch hóa thông tin, làm thay đổi phương pháp, tác phong công tác, phương thức làm việc...
Bằng chứng, qua số liệu tổng hợp, khảo sát và kết quả công tác kiểm tra đánh giá của Ban Cơ yếu Chính phủ, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cung cấp đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành tác nghiệp và trao đổi văn bản điện tử tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ rất cao (có nhiều cơ quan đạt trên 95%), tiêu biểu là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông...
VNPT là đơn vị đầu tiên được trao giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa
Với nhiều lợi ích như vậy, ngày 3/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, bao gồm mô hình ký số từ xa (VNPT-SmartCA) cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Trước đó, ngày 28/10, Bộ TT&TT đã phê duyệt cấp phép cho VNPT để có thể triển khai dịch vụ ký số từ xa. Đây được đánh giá là mốc sự kiện quan trọng đối với VNPT để hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái số của Tập đoàn này.
Ký số từ xa (Remote signing) là giải pháp ký số mới đang được nhiều quốc gia phát triển sử dụng trong quá trình số hóa nền kinh tế, đem lại sự thuận lợi cho các giao dịch hành chính, thương mại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
Khác với giải pháp ký số thông thường, ký số từ xa không cần sử dụng USB Token, có tốc độ ký nhanh hơn, an toàn hơn, không phụ thuộc vào nhà mạng và có thể ký ngay trên smartphone, tablet thay vì chỉ trên máy tính như trước kia.
Phát biểu tại buổi lễ cấp giấy chứng nhận, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, để được cấp phép, dịch vụ chữ ký số từ xa của VNPT đã được thẩm định rất kỹ càng. Đây là hình thức ký số đảm bảo mức độ an toàn cao, đặc biệt tiện lợi cho người dùng khi có thể thực hiện giao dịch điện tử ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Minh Ngọc