- Sau khi đã giảm khoảng 30% so với thời điểm giá đạt đỉnh vào tháng 02 vừa qua, giá gạo Thái Lan có nguy cơ tăng trở lại do giá phân bón - mặt hàng chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp - tăng cao.
Lý giải về khả năng này, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, do phần lớn lượng phân bón phục vụ sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc nên các thay đổi về chính sách sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc cũng như khó khăn trong hoạt động vận tải biển quốc tế hiện tại cũng ảnh hưởng đến lúa gạo.
“Hiện tại giá phân bón tại Thái Lan đã tăng gần gấp đôi so với năm 2020, thậm chí giá 1kg phân bón đắt hơn 1kg gạo. Trong bối cảnh các vùng trồng lúa đang chịu cảnh lũ lụt trên diện rộng thì chi phí phân bón tăng sẽ trở thành gánh nặng cho người nông dân, tác động đến giá lúa gạo”, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết.
Ở một diễn biến khác, hiện Thái Lan đang nỗ lực đưa ngành thực phẩm tăng trưởng trở lại. Bộ Công nghiệp Thái Lan (MOI) cho biết, ngành thực phẩm nội địa ghi nhận kết quả ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2021, bất chấp những thách thức liên tục của Covid-19, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm và chế biến thực phẩm.
Ngành thực phẩm Thái Lan đang dần quay trở lại trạng thái tăng trưởng và mở rộng sau khi ghi nhận suy giảm trong năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (MPI) trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ sử dụng giải pháp “seal and bubble” (tương tự chính sách 3 tại chỗ của VIệt Nam) tại các nhà máy có cụm lây nhiễm Covid 19 để kiểm soát rủi ro và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh tại các nhà máy, đồng thời cho phép phần lớn các nhà máy vận hành các dây chuyền sản xuất như bình thường.
Ngoài ra, sản lượng nguyên liệu nông sản tăng và có thể đảm bảo đủ nguồn cung đa dạng cho chế biến sản phẩm, đặc biệt là những ngành sử dụng mía đường, sắn và rau quả.
Yến Nhi