Hiện nay, giá lợn xuất bán tại chuồng rất thấp, khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi người dân mua các sản phẩm thịt ở chợ truyền thống, giá vẫn ở mức cao.
Có thể nói đến thời điểm này, nguồn cung thịt lợn trong nước đã được phục hồi rất nhiều sau khi khống chế được dịch tả lợn châu Phi và công tác tái đàn cũng được triển khai đồng đều ở các địa phương.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành, đàn lợn cả nước cơ bản vẫn ổn định. Hiện nay, tổng đàn lợn của cả nước đang khoảng gần 27 triệu con, giảm 2,3% so với thời điểm cuối năm 2020.
Dự kiến năm nay, tổng sản lượng thịt đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn. Sản lượng như vậy hoàn toàn có thể chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Hiện nay do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện việc giãn cách xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm. Đồng thời, cũng do dịch COVID-19, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, dẫn đến sản phẩm chăn nuôi đang bị ứ đọng, không tiêu thụ được, giá giảm xuống còn 50.000 - 58.000 đồng/kg, có địa phương dưới 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thức ăn ngày càng tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, khi chưa xuất chuồng được thì chưa thể vào đàn.
Nhiều doanh nghiệp chế biến gặp khó
Tổng cục Hải quan Việt Nam đã công bố số lượng thịt lợn nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Rõ ràng đây là con số không bình thường khi nguồn cung thịt trong nước đang hết sức dồi dào, tiêu thụ đang gặp khó do dịch bệnh.
6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam là 70.000 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do đầu năm nay, giá thịt lợn trong nước vẫn cao, trên 70.000 đồng/kg thịt hơi. Trong khi đó, nguồn cung của các nước khác dồi dào, nên Việt Nam nhập khẩu dễ dàng hơn. Thực tế hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến trong nước đang rơi vào tình trạng khó khăn.
Từ 2 tháng nay, kho lạnh của Nhà máy chế biến thực phẩm Vinh Anh luôn phải hoạt động hết công suất, có thời điểm không thể chứa thêm. Từ khi các bếp ăn tập thể và trường học nghỉ do dịch COVID-19, việc tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn của công ty giảm đến 70%.
Thay vì bán thịt, hiện doanh nghiệp tăng cường làm các sản phẩm chế biến như: xúc xích, giò, chả. Thời gian và điều kiện bảo quản dễ hơn thịt tươi sống. "Công ty của chúng tôi vừa giết mổ, vừa chế biến, chủ động được nguồn nguyên liệu, luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường", ông Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Vinh Anh, cho biết.
Nhà máy chế biến Green Chicken mỗi ngày giết mổ hơn 10.000 con gà, tuy nhiên đến nay cũng chung cảnh ngộ với các cơ sở chế biến thịt lợn khi phải giảm bớt công suất. Tuy nhiên đối với gà công nghiệp, nếu vượt quá thời gian xuất chuồng thì vừa tốn thức ăn, trọng lượng lại không tăng lên.
Thức ăn chăn nuôi là yếu tố tác động vấn đề lỗ, lãi của bà con nông dân rất nhiều. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc đi lại khó khăn, thêm vào đó 80% nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu, chưa chủ động được nên để bà con có thể duy trì và tăng đàn vào thời điểm này là rất khó khăn.
Hiện nay việc xuất bán đối với các sản phẩm từ thịt lợn và gà đều tiêu thụ rất thấp tại 3 miền. Giá xuất bán từ các trang trại, hộ chăn nuôi rất thấp, nhưng có một nghịch lý là tại các chợ truyền thống giá bán vẫn rất cao, có những nơi tăng gần gấp đôi.
Giải pháp giảm giá thịt lợn tại các chợ
Giá lợn xuất bán tại chuồng rất thấp, khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi người dân mua các sản phẩm thịt ở chợ truyền thống, giá vẫn ở mức cao, nguyên nhân do khâu trung gian. Dịch bệnh nên chi phí đi lại xét nghiệm tăng, cùng với đó ở các đô thị lớn, việc người dân đi chợ cũng bị hạn chế, nên giá chưa thể xuống được. Làm thế nào để có thể tiêu thụ hết được lượng thực phẩm bị tồn và giảm được giá bán lẻ tại các chợ là việc không đơn giản.
Tại hầu hết các doanh nghiệp chế biến, thịt lợn sau chế biến được pha mảnh sẽ có giá dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Được phân phối vào các chợ truyền thống là mong ước của nhiều doanh nghiệp vào lúc này.
"Rất mong muốn các sở ngành, Sở Công Thương can thiệp để chúng tôi có thể giao lợn mảnh cho các bà con ở những khu chợ được phép hoạt động, với mức giá hợp lý. Ví dụ lợn mảnh có giá từ 78.000 - 80.000 đồng/kg", ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vinh Anh, chia sẻ.
Hiện có gần 2 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đa phần số này chưa tham gia vào chuỗi ngành hàng nên mới đang diễn ra câu chuyện bất cập về giá cả như hiện nay. Nguồn cung dư thừa, nhưng giá bán lại đang bị quá cao, quá nhiều khâu trung gian làm chi phí đội lên.
"Muốn bền vững được, các cơ sở chăn nuôi phải liên kết ngang với nhau để doanh nghiệp làm chuỗi giảm thì mới liên kết được với các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh. Như vậy, giá thành sẽ hạ và cung cầu đến gần với nhau, lợi ích hài hòa giữa 3 khâu sản xuất - lưu thông - tiêu dùng", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng nhận định.
Đà phát triển đang bị chững lại vào thời điểm này nhưng dự kiến năm 2021 tổng sản lượng thịt vẫn đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn. Với sản lượng như vậy, sau khi dịch bệnh được không chế, chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và có thể hạ giá bán tại các chợ truyền thống ít nhất từ 10 - 20%.
Theo VTV