- Nhằm mở rộng thêm kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa ngoài kênh bán hàng truyền thống vốn có, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức kết nối, phối hợp cùng Sở Công Thương Lạng Sơn và Hà Tĩnh từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương này tiếp cận với thương mại điện tử.
Trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm và nông sản vẫn đang được ưu tiên kinh doanh và lưu thông giữa các tỉnh, thành, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Lạng Sơn và Hà Tĩnh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Sendo… tiếp tục phối hợp đưa các sản phẩm nông sản vào mùa của địa phương lên thương mại điện tử.
Tháng 8 là thời điểm vào mùa của một số loại nông đặc sản của địa phương. Điển hình là Na Chi Lăng (Lạng Sơn) hay Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đều bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thực tế, đây là hai loại nông sản chủ lực của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và Chi Lăng (Lạng Sơn) được người tiêu dùng ưa chuộng, do đó sản lượng tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống cũng rất cao. Tuy nhiên việc thu mua và vận chuyển các nông đặc sản đang chậm lại, số lượng đặt hàng từ các thuơng lái cũng chưa nhiều như những năm trước do sự ảnh hưởng tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ chính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP về giãn cách toàn thành phố.
Nhằm mở rộng thêm kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa ngoài kênh bán hàng truyền thống vốn có, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức kết nối, phối hợp cùng Sở Công Thương Lạng Sơn và Hà Tĩnh từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương này tiếp cận với thương mại điện tử. Nhờ có sự kết nối đó, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart đã triển khai ký kết với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), Hương Khê (Hà Tĩnh) để sớm đưa hai sản phẩm nông đặc sản của hai địa phương này lên sàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng cả nước.
Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của người dân Hà Tĩnh, là loại quả quý, quả to tròn đạt chất lượng vượt trội, có vị ngọt thơm đặc trưng, các tép bưởi mọng nước giòn tan, chua thanh dịu nhẹ. Thông qua các khâu kiểm soát chất lượng của sản thương mại điện tử Vỏ Sò, bưởi Phúc Trạch lên sàn đều đạt tiêu chuẩn VietGap, xuất xứ rõ ràng. Đối với sản phẩm Bưởi Phúc Trạch vào vụ được bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò sẽ có những ưu đãi riêng cho khách hàng khi đặt hàng như đồng giá vận chuyển 15k cho đơn hàng tới 5kg, áp dụng vận chuyển tiêu chuẩn, toàn quốc hay giảm 15k/ đơn hàng thanh toán bằng Vnpay.
Bên cạnh đó, mặc dù phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, việc thu hái và tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng về cơ bản diễn ra thuận lợi, giá cả giữ mức ổn định.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, sàn thương mại điện tử Sendo, Postmart cũng đã bắt đầu triển khai đưa Na Chi Lăng hay Bưởi Phúc Trạch lên tiêu thụ. Khách hàng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có thể trực tiếp truy cập vào các ứng dụng của sàn Vỏ Sò, Sendo và Postmart để đặt hàng. Các mặt hàng nông sản Bưởi Phúc Trạch và Na Chi Lăng đều được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển, đảm bảo hương vị tươi ngon của trái cây tươi và đặc biệt là an toàn khi giao hàng đáp ứng đủ các quy tắc phòng chống dịch khi vận chuyển giữa các tỉnh, thành.
Như vậy, có thể thấy, việc kết nối, phối hợp giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các địa phương và các sàn thương mại điện tử trong thời gian qua nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ các nông đặc sản địa phương khi vào mùa thu hoạch qua thương mại điện tử đã mang lại những kết quả tích cực và khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Yến Nhi