- Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) vừa công bố hai văn kiện với nội dung kêu gọi các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng Thương mại và Tài chính ASEAN đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nghị sự kinh tế khu vực và liên kết với sự phục hồi bền vững sau đại dịch của ASEAN, cũng như có các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
EU-ABC, tổ chức đại diện cho lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á, bày tỏ lo ngại về việc thiếu triển khai các cấu phần chính của hội nhập kinh tế ASEAN từ AEC, đặc biệt trong lĩnh vực xóa bỏ hàng rào phi thuế quan đối với thương mại. Trong các báo cáo của mình, EU-ABC cũng lưu ý rằng từ trước đại dịch COVID-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại tại ASEAN đã bị suy giảm. Đại dịch COVID-19 làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, do đó nhu cầu cấp bách hiện nay là phải đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do đó, EU-ABC kêu gọi hành động gắn kết hơn, nhanh chóng hơn và minh bạch hơn để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của ASEAN, đồng thời tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN đối với các nhà đầu tư.
Ông Donald Kanak, Chủ tịch EU-ABC cho biết: “Trong những năm tới, ASEAN có cơ hội rất tốt để trở thành một bên tham gia và đóng góp quan trọng hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, nếu khối này có thể đạt được những tiến bộ rõ ràng trong chương trình hội nhập kinh tế của mình. Điều đó đòi hỏi khu vực này phải thiết lập lại cách sử dụng các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại. Việc thiết lập lại đó là chìa khóa để khơi thông dòng chảy hàng hóa, cải thiện khả năng cạnh tranh và tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho ASEAN.”
Ông cho biết thêm: “Đó là những biện pháp rất quan trọng để khai thác sức mạnh tổng hợp của cả 10 nền kinh tế ASEAN, để khu vực này có thể cạnh tranh hiệu quả với các khu vực khác, tận dụng sự năng động và quy mô của một thị trường 650 triệu dân. Bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với nhau và thực hiện những cam kết trong Kế hoạch phát triển tổng thể AEC, khu vực sẽ phục hồi nhanh hơn và vững bền hơn sau đại dịch."
Ông Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành của EU-ABC cho biết thêm: "Chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp đang mất kiên nhẫn với dự án hội nhập kinh tế ASEAN. Tiến độ thực hiện chậm một cách đáng thất vọng. Các rào cản phi thuế quan đối với thương mại vẫn là trở ngại chính đối với sự phát triển bền vững trong khu vực, bất chấp các tuyên bố từ các nhà lãnh đạo và bộ trưởng ASEAN rằng các rào cản này cần được dỡ bỏ. Các biện pháp kiểm soát số lượng và giá cả nói riêng vẫn được duy trì, làm giảm năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo trong khu vực, gây bất lợi cho các doanh nghiệp địa phương và người dân nói chung."
Trong các văn bản này, EU-ABC cho rằng tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN đang gặp phải những cản trở như: Thiếu quyết tâm hoặc không có khả năng thực hiện những cam kết đã được đưa ra trong các Kế hoạch phát triển tổng thể AEC 2015 và 2025; ASEAN thường xuyên không hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đặc biệt là với các cam kết giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, do không có các quy trình và công cụ hiệu quả; Các hiệp định tạo thuận lợi thương mại hiện có, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chưa được thực hiện hoặc chưa được tuân thủ đầy đủ; Khu vực đang đưa thêm các ý tưởng và chương trình mới, chẳng hạn như trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong khi chưa thực hiện được những ý tưởng và chương trình hiện có.
Hệ quả của sự chậm trễ này là hầu hết các công ty đa quốc gia (cũng như các DNVVN trong khu vực) coi ASEAN như 10 thị trường riêng lẻ, và chỉ tập trung vào 1 hoặc một số thị trường quan trọng nhất đối với họ mà không coi khu vực như một thị trường thống nhất. Một hệ quả nghiêm trọng hơn nữa là sự phục hồi bền vững sau đại dịch có thể bị đe dọa.
Phạm Lê