- Dựa trên cam kết về trung hòa cacbon trong các hoạt động tính đến năm 2030 và tuyên bố rút dần khỏi thị trường điện than, GE đã chia sẻ tầm nhìn về việc triển khai nhanh chóng và có chiến lược nguồn năng lượng tái tạo và điện khí cùng lúc.
Trong báo cáo mới của GE có tiêu đề “Sự phát triển của điện tái tạo và điện khí có thể nhanh chóng tác động đến tình trạng biến đổi khí hậu”, GE cho biết nếu triển khai đơn lẻ, không có nguồn điện nào có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Khi triển khai cùng lúc hai nguồn điện, không chỉ đảm bảo về hiệu suất năng lượng, quá trình khử cacbon cũng sẽ diễn ra ở tốc độ và quy mô cần thiết, giúp đạt được các mục tiêu khí hậu to lớn. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra nhiều lộ trình kỹ thuật để phát triển điện khí giúp giảm thiểu lượng cacbon thông qua sử dụng nhiên liệu cacbon thấp và phi cacbon như hydro hay công nghệ lưu trữ và sử dụng cacbon (CCUS).
Để giúp đáp ứng các mục tiêu cấp bách về khí hậu và nhu cầu điện đang tăng trên toàn cầu, báo cáo chỉ rõ giá trị của điện khí như một phương án bổ sung để hỗ trợ và đẩy nhanh sự tỉ lệ năng lượng tái tạo: Điện khí đáng tin cậy, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều diện tích đất, là phương án bổ sung lý tưởng cho năng lượng tái tạo; Trong khi năng lượng tái tạo biến động thì điện khí ổn định, đáng tin cậy và linh hoạt, luôn sẵn sàng hoạt động trong 90% thời gian.
![]() |
Việc chuyển đổi từ điện than sang điện khí mang đến hiệu quả nhanh chóng trong việc giảm phát thải ở nhiều khu vực trên thế giới. Ví dụ, kể từ năm 2007, lượng phát thải CO2 trong ngành điện ở Hoa Kỳ đã giảm khoảng 1/3 trong khi tổng sản lượng điện vẫn được duy trì. Mức giảm phát thải CO2 khi chuyển đổi từ điện than sang điện khí lớn hơn so với bất kỳ nguồn nhiên liệu nào khác.
Báo cáo cũng mang đến cái nhìn bao quát về công nghệ và thị trường của một số nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, điện than, điện hạt nhân và những đột phá công nghệ cần thiết giúp hệ thống lưu trữ pin trở nên cạnh tranh hơn về chi phí.
GE Renewable Energy đang tiếp tục đầu tư vào việc đổi mới sáng tạo trong công nghệ giúp giảm chi phí năng lượng tái tạo. Đây là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của ngành. Gần đây, GE đã công bố nâng công suất tuabin gió ngoài khơi Haliade-X - tuabin mạnh nhất đang hoạt động hiện nay lên đến 13 MW trong hai giai đoạn đầu tiên thuộc trang trại điện gió ngoài khơi Dogger Bank ở Anh.
Ở Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng điện tái tạo tăng cao trong khi nguồn điện này không có tính ổn định và dễ gây mất cân bằng lưới điện. Vì thế, việc phát triển các nguồn điện linh hoạt hơn sẽ tiếp tục là trọng tâm. Với nỗ lực mang đến các giải pháp ổn định công suất điện để đảm bảo nguồn cung điện đáng tin cậy và an toàn, GE đang phối hợp với các đối tác trong nước để triển khai các dự án điện khí tự nhiên như dự án điện khí Long Sơn 3.600MW ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay dự án điện khí ở Bạc Liêu…
Phạm Lê