- Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; ASEAN; Nhật Bản…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 tăng 11,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 22,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%.
Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quý I), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt gần 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.
![]() |
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng, kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 164,43 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất và đồng thời đây cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 45,05 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2019; Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 1,8% so với cùng kỳ; Vải các loại giảm 13,4%; nguyên phụ liệu dệt may và da giày giảm 13,3%; thép các loại giảm 15,5%...
Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 15,3% cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 859 triệu USD, giảm 44,2% so với cùng kỳ năm trước; rau quả giảm 32,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 10%, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 8%,…
Như vậy, nhập khẩu giảm tập trung ở nhóm hàng cần kiểm soát, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, không phục vụ nhu cầu sản xuất), trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu, chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ.
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%. Thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%. Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 2,8%. Thị trường EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6%. Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 1,6%.
Yến Nhi