- Trong báo cáo mới nhất phát hành vào giữa tháng 6/2020, ADB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2020 do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự bùng phát của các ổ dịch mới ở 3 nền kinh tế Bắc Á quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Bộ Công Thương, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá dầu thô giảm mạnh, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.
Thời điểm hiện nay, dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới”, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới liên tục duy trì ở mức cao chưa từng có là 120.000-140.000 người/ngày. Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch. Các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 08/6/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch COVID-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870.
Trong báo cáo mới nhất phát hành vào giữa tháng 6/2020, ADB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2020 do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là sự bùng phát của các ổ dịch mới ở 3 nền kinh tế Bắc Á quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cụ thể: Khu vực Bắc Á sẽ tăng trưởng thấp ở mức 1,3% trong năm 2020. Kinh tế Nam Á dự báo giảm 3% trong năm 2020 khi bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Trong đó, kinh tế Ấn Độ giảm 4% trong năm tài khóa 2020 (kết thúc vào 31/3/2021). Nhờ khống chế dịch bệnh tốt hơn, các nền kinh tế Đông Nam Á sụt giảm nhẹ hơn (giảm 2,7%) trong năm 2020.
Trong số đó, một số nước bị ảnh hưởng lớn bởi suy giảm tiêu dùng nội địa và đầu tư sẽ có GDP giảm trong năm 2020 như Philippines (giảm 3,8%), Indonesia (giảm 1%) và Thái Lan giảm 6,5%. Riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng ấn tượng 4,1% nhờ sớm khống chế được dịch bệnh. Theo ADB, mặc dù dự báo này đã giảm 0,7% điểm so với dự báo được đưa ra vào tháng 4, nhưng Việt Nam vẫn là nền kinh tế có tăng trưởng dự báo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Lạm phát của các nền kinh tế đang phát triển châu Á được dự báo ở mức 2,9% trong năm 2020, phản ánh nhu cầu thấp và giá dầu giảm. Đà giảm giá sẽ tiếp tục trong năm 2021 với lạm phát chỉ ở mức 2,4%, do nền kinh tế, đặc biệt là tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi.
Hoạt động thương mại trên thế giới tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của nhiều nước đều giảm sút mạnh xuống mức thấp nhất ít nhất 4 năm qua do nhu cầu thấp và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Ngày 3 tháng 6 năm 2020, Tổ chức Thương mại Thế giới đã công bố Chỉ số tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm kỷ lục còn 87,6, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được đưa ra vào tháng 7/2016, cho thấy thương mại toàn cầu giảm sút mạnh trong nửa đầu năm nay.
Trước đại dịch, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. WTO ước tính thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay, tùy thuộc vào thời gian xảy ra đại dịch và hiệu quả của các phản ứng chính sách.
Đại dịch Covid cũng đã tác động rất mạnh tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do nguồn lực tài chính và khả năng vay hạn chế, khó tìm nguồn cung ứng thay thế từ các nhà cung cấp mới. Các doanh nghiệp MSMEs là xương sống của nhiều nền kinh tế, chiếm 95% tổng số các công ty trên toàn thế giới và chiếm 60% việc làm. Nhiều MSME phụ thuộc vào thương mại quốc tế vì xuất khẩu sản phẩm thông qua các kênh trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc vì nhập khẩu đầu vào để sản xuất các sản phẩm bán trong nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước cũng đã đưa ra các biện pháp kích thích khẩn cấp và hỗ trợ cho MSMEs, như hỗ trợ thanh khoản để giải quyết các vấn đề về dòng tiền, với mục đích duy trì việc làm và đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, cũng như các biện pháp mở rộng cơ hội thương mại cho MSMEs; phát triển khả năng phục hồi của MSMEs và xây dựng năng lực của họ để vượt qua những cú sốc trong tương lai đối với chuỗi cung và cầu.
Yến Nhi