- Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại các tháng đầu vẫn thể hiện con số tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, xuất khẩu tăng 7,5%, thặng dư thương mại đạt 3,74 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1,46 tỷ USD.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 4/2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN. Đến nay, đại dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Để kiểm soát dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện phong tỏa thành phố, giãn cách xã hội tạm thời khiến cho hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng...
Trong bối cảnh đó, thời gian qua chấp hành triệt để, nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc, có những giải pháp mang tính liên tục, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các địa phương.
![]() |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm dây chuyền sản xuất tại Tổng công ty May 10 ... và thảo luận các giải pháp ổn định sản xuất với lãnh đạo Tổng Công ty |
Ngay dịp Tết Canh Tý, trước những diễn biến phức tạp trong thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Xuất khẩu chủ trì cùng với các đơn vị liên quan nắm tình hình tại thực địa. Cùng với đó, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản quan trọng đã được Bộ Công Thương ban hành chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung. Có thể kể đến Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 31/1/2020 về tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành Công Thương; Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19; Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13/2/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19.
Riêng tại Quyết định 481 và Chỉ thị 06 đã chủ động xây dựng các giải pháp và phân giao 127 nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện. Trong số này bao gồm cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt cũng như mang tính dài hạn.
Tính liên tục của các giải pháp, biện pháp đã và đang được Bộ Công Thương đề ra và triển khai trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương cũng như khai thông thị trường, xa hơn là bảo đảm cơ sở cho nền kinh tế phát triển bình thường trở lại còn được thể hiện ở việc nó được triển khai đồng bộ, song hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên trong bối cảnh đại dịch, các nhu yếu phẩm vẫn được bảo đảm ở mức cao nhất cho mọi vùng địa lý của cả nước.
Nhiều phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch thông qua nền tảng số được liên tục triển khai. Cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các tham tán thương mại, các vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng được thiết lập. Chưa khi nào mà xúc tiến thương mại lại song hành nhịp nhàng trong việc khơi thông xuất khẩu như thời gian qua.
Khơi thông thị trường đã được làm liền mạch từ công tác nắm thông tin, chủ động kết nối trong và ngoài nước, tham mưu trình chính sách với Chính phủ đến việc chủ động làm việc với các đối tác, lãnh đạo các bộ thẩm quyền của các nước là thị trường lớn. Xuất khẩu giờ đây không chỉ đóng vai trò rộng đường cho hàng xuất khẩu Việt Nam đi mà còn cho hàng nhập khẩu là nguồn cung đầu vào cho các ngành sản xuất quan trọng như dệt may, da giày, điện tử, ô tô… Nhờ đó hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại các tháng đầu năm cho dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ song vẫn đạt mức tích cực nếu tính đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, xuất khẩu tăng 7,5%, thặng dư thương mại đạt 3,74 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1,46 tỷ USD.
Yến Nhi