Thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn vì dịch Covid-19

0
0

 - Loạt chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đang nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trong tuần, đã có thêm nhiều chính sách thiết thực của hệ thống ngân hàng dành cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19

Lập đường dây nóng để xử lý khó khăn

Ngày 16/4/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản gửi NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Theo đó, để chính sách hỗ trợ của NHNN nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) và người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất – kinh doanh, Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung.

Cụ thể: Thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng tại NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01. Thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để DN, người dân biết.

Thành lập bộ phận thường trực tại NHNN Chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn. Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh chủ động liên hệ ngay với Văn phòng NHNN, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc NHNN để phối hợp xử lý.

Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư 01 và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Ảnh minh họa

Giảm lãi suất cho vay

Ngay từ đầu tháng 4/2020, nhiều ngân hàng đã đồng loạt triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 03 /CĐ-NHNN của Thống đốc NHNN và công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như BIDV, Vietinbank,Agribank,Vietcombank,SHB,VIB,HDBank…

Mới đây nhất, trong tuần, ngân hàng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 từ ngày 15/4/2020. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90 ngàn khách hàng với qui mô tín dụng là 300 ngàn tỷ đồng, chiến gần 50% dư nợ hiện hữu tại VCB.

Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến hết ngày 30/09/2020. Giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến 30/6/2020.

Cùng với đợt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với qui mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm.

Trước đó, từ 1/4/2020, BIDV cũng đã quyết định cơ cấu lại thời gian trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngoài ra, giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng doanh nghiệp. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp.

Đối với nhu cầu vay mới: BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019. Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Ngân hàng VietinBank cho biết, từ ngày 1/4/2020, ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường có quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch). 

Cụ thể, VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Agribank cũng triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng quy mô lớn này.

Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) trong tháng 3 cũng đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt tích cực và hiệu quả đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân góp phần chung tay cùng cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid 19. Cụ thể: SHB triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. SHB tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch. Ngoài các gói ưu đãi lãi suất, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng tổng thể nhất.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Với phương châm hoạt động kinh doanh luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN về việc thực hiện các giải pháp chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng vởi dịch COVID-19, SHB đã triển khai đồng loạt các giải pháp thiết thực và kịp thời nhằm chung tay vì cộng đồng, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các tác động do dịch bệnh gây ra; tạo điều kiện cho khách hàng duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng công bố quyết định giảm lãi suất cho tất cả khách hàng doanh nghiệp (DN) có khoản vay hiện hữu áp dụng từ ngày 1/4. Theo đó, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực. Theo ước tính, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỉ đồng dư nợ được hưởng hỗ trợ.

Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Ngân hàng TMCP Kiên Long giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Napas phối hợp triển khai giảm phí cho doanh nghiệp

Ngày 16/4/2020, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố triển khai chương trình giảm phí cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải do ảnh hưởng của Covid-19.

Theo đó, từ ngày 10/4 đến hết 31/12/2020, NAPAS thực hiện miễn phí xử lý giao dịch và phối hợp Vietcombank giảm lên đến 35% phí thanh toán cho cả hai dịch vụ Cổng thanh toán điện tử và dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải gồm hàng không và đường sắt thanh toán qua cổng thanh toán điện tử NAPAS như: Vietnam Airlines, Vietjetair, BambooAirways và Đường sắt Việt Nam thuộc đối tượng được điều chỉnh miễn/giảm phí. Đây là chương trình giảm phí dịch vụ lần thứ 3 trong năm 2020 của NAPAS, thể hiện nỗ lực và cam kết của NAPAS tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

NAPAS trong vai trò là đơn vị vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia, thực hiện xử lý các giao dịch chuyển mạch tài chính cho ATM/POS, chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối hệ thống các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực hàng không, đường sắt, bán lẻ, du lịch, dịch vụ v.v...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thị trường ngành dịch vụ vận tải, tháng 3/2020 ước tính đạt 334,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 8,8% so với tháng trước và đạt 78,6% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển 14,8 tỷ lượt khách, giảm 15,1% so tháng trước và đạt 75% so với cùng kỳ, trong đó vận tải ngoài nước chỉ đạt 40% tháng trước đó. Đặc biệt, từ tháng 4/2020, khi Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu toàn dân thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, các dịch vụ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Đại diện Napas cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn và trực tiếp tới hoạt động vận tải, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề khi riêng tháng 3 vận chuyển giảm 22,8% và luân chuyển giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành đường sắt giảm hơn 50% và hàng không giảm 29% (nguồn Tổng cục thống kê). Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải tháo gỡ khó khăn, NAPAS đã triển khai chương trình giảm phí, cam kết tiếp tục thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ và doanh nghiệp.

Nhằm chung tay hỗ trợ khách hàng trong đại dịch Covid-19, NAPAS và các ngân hàng thương mại đã đồng hành triển khai liên tiếp 2 chương trình miễn giảm phí chuyển mạch trong năm 2020 gồm: miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống từ 25/2 đến hết 31/12; miễn/giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng từ 25/3 đến hết 31/12.

Tính đến thời điểm này, 100% ngân hàng tham gia mạng lưới NAPAS đã thực hiện các chương trình miễn/giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, qua đó khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm thích ứng với yêu cầu về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu những tác động của Covid 19 tới sức khỏe của người dân, đồng thời vẫn duy trì phát triển kinh tế.

Tiến Vinh

 


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.