- Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) lo ngại, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ước tính sẽ có tới 02 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng trong những năm qua.
Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) vừa phối hợp với Viện Konrad-Adenauer (KAS- Đức) tổ chức Tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I năm 2020”, nhằm cập nhật và thảo luận những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam (Việt Nam).
Buổi tọa đàm đưa ra một số đánh giá, nhận định tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 do ảnh hưởng của Covid-19 và khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ Việt Nam.
VEPR đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 yếu so với những năm trước ở cả 3 khu vực kinh tế chủ yếu (dịch vụ 3,27%, nông, lâm, ngư nghiệp 0,98%, công nghiệp và xây dựng 5,15%), tuy nhiên những con số tăng trưởng này chưa phản ánh hết những khó khăn của nền kinh tế hiện tại.
Cụ thể, trong quý I, trong gần nửa đầu quý I nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường, chưa có dịch xâm nhập, chưa có biện pháp giãn cách xã hội, chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nếu nhìn vào chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thì thấy ngay triển vọng của ngành này. Những năm trước, chỉ số này luôn trên 50 nhưng tới tháng 3 vừa qua chỉ còn 41,9 điểm, cho thấy xu hướng sụt giảm mạnh. Lần đầu tiên trong quý I, cũng chứng kiến sụt giảm đầu tư nước ngoài cả về vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân.
Bên cạnh đó, tác động từ bên ngoài mới ít, cho tới cuối tháng 2/2020 thì châu Âu, Mỹ vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tới đầu tháng 3, các đơn hàng từ bên ngoài bị trì hoãn do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường Việt Nam có xuất khẩu lớn bắt đầu suy giảm. Bị tác động mạnh nhất là các ngành xuất khẩu ra bên ngoài, xuất khẩu tại chỗ (dịch vụ du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, lưu trú…). Trong quý II/2020, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, cùng châu Âu chắc chắn sẽ suy giảm mạnh.
VEPR ước tính sẽ có tới 02 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng trong những năm qua. Ảnh minh họa |
Đáng lo ngại, con số thống kê của Việt Nam hiện không tính hết đến khu vực kinh tế phi chính thức. Khu vực kinh tế này đóng góp tương đối lớn trong nền kinh tế Việt Nam, ước tính 25-30%, có vai trò ‘bệ đỡ’ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khủng hoảng lần này tác động rất mạnh tới khu vực này so với những đợt khủng hoảng kinh tế - tài chính trước đây. Khu vực này đang bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các biện pháp phong tỏa khiến khu vực này gần như dừng hoàn toàn các hoạt động, khiến số việc làm, số hộ kinh doanh cá nhân giảm mạnh.
Vấn đề đáng lo ngại nữa là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ước tính sẽ có tới 02 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng trong những năm qua.
VEPR đi đến nhận định, quý II/2020 sẽ là quý “đau thương” nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Tác động của dịch Covid-19 tới Việt Nam trong quý I có độ trễ, nhưng tác động của Covid-19 bất kể có được khống chế sớm muộn, dự báo sẽ rơi mạnh nhất vào quý II/2020.
Giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dịch
Để đối phó với triển vọng không mấy lạc quan này, theo nhận định của VEPR, trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động. Đây là nhóm gánh đỡ cho cả nền kinh tế. Có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương, gây tổn hại lớn về kinh tế-xã hội. Về phía Chính phủ, cần thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyệt, để tạo sự lan tỏa kinh tế, giảm bớt tác động của bệnh dịch. Chính phủ cũng cắt giảm/tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%, để đồng hành với nền kinh tế trong xử lý bệnh dịch.
Trong dài hạn, VEPR khuyến nghị Chính phủ cần giữ nền tảng vĩ mô ổn định (tỷ giá, giá cả tiêu dùng, thâm hụt và nợ công) để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch. Từng bước xây dựng “đệm tài khóa” để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19 trong tương lai (trong những năm vừa qua, bất kể kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hay thấp thì đều để thâm hụt ngân sách). Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu (tránh phụ thuộc hoàn toan vào các thị trường kinh tế lớn EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc).
Đỗ Tuấn