- Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình Nghị sự năm 2020 và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tán thành...
Sáng ngày 16/4, tại Trung tâm Điều hành Quốc hội điện tử, Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên họp thứ 27 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra các nội dung theo thẩm quyền.
Trong buổi làm việc thứ nhất, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình 06 dự án, dự thảo gồm:
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.
Bổ sung 02 dự án, dự thảo vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp là Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;
Bổ sung dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10;
Bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp;
Bổ sung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2020.
Chính phủ cũng đề nghị rút ra khỏi Chương trình 01 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Đề nghị điều chỉnh phạm vi sửa đổi đối với 01 dự án luật từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24 dự án, tăng 07 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên nhiều đại biểu cũng chỉ rõ qua nhiều hội thảo khoa học và thực tiễn thi hành cùng kiến nghị của cử tri cho thấy Luật Đất đai hiện hành bộc lộ nhiều mâu thuẫn như việc đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Cùng với đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều luật mới được ban hành, sửa đổi bổ dung nhằm cụt hể hóa Hiến pháp 2013 dẫn đến một số quy định của Luật Đất đai không còn phù hợp.
Do đó, các đại biểu thống nhất với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020, nhưng đề nghị Chính phủ cần xác định thời điểm cụ thể trình dự án Luật này trong thời gian tới, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu giải quyết những vướng mắc; cân nhắc xem xét sửa đổi toàn diện Luật Đất đai gắn với Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tổng hợp các kiến nghị cụ thể về các dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ.
Theo đó, bổ sung vào Chương trình năm 2020 đối với 02 dự án luật (Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc) và 01 pháp lệnh (Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)). Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020);
Đưa ra khỏi Chương trình năm 2020 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Lùi thời gian trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021).
Đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2021 và các năm tiếp theo, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ: đưa 07 dự án luật vào Chương trình năm 2021, trong đó có 02 dự án luật (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS ) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3/2021); 05 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021);
Ủy ban cũng tán thành với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc bố trí thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2020);
Tán thành với Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội về việc bố trí thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3/2021, muộn hơn 1 kỳ so với Chính phủ đề nghị);
Ttrình dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021), thông qua tại kỳ họp thứ 3 (muộn hơn 1 kỳ so với Chính phủ đề nghị).
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44 tới.