- Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, CPH DNNN không phải chỉ là kêu gọi vốn mà là để đa dạng loại hình sở hữu, có hội đồng quản trị tốt, giám sát chống tham ô, tham nhũng và đặc biệt không phải là phóng thích mọi thứ ra ngoài xã hội để thị trường hóa…

Chiều 8/11, gửi câu hỏi đến Thủ tướng, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng, sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, việc chấp hành niêm yết của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa nghiêm. “Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của mình về ấn đề này như thế nào? Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì cải thiện tình trạng này?” – ĐB Hằng đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Thị Thu Hằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo tiến độ cổ phần hóa 9 tháng đầu năm, mới có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Từ 2016 đến nay có 186 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 9 tháng đầu năm đến nay thoái vốn được 12 doanh nghiệp và Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp chưa thực hiện niêm yết, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện.
Cũng đánh giá đây “một việc chậm”, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thông qua kế hoạch theo đúng lộ trình cổ phần hóa ở Việt Nam để thúc đẩy cổ phần hóa, kêu gọi vốn các thành phần tham gia quản trị tốt hơn.
“Tôi xin nói cổ phần hóa không phải chỉ là kêu gọi vốn, cổ phần hóa với đa dạng hình sở hữu, có hội đồng quản trị tốt, hội đồng thành viên tốt cũng đồng thời là giám sát quá trình phát triển doanh nghiệp, chống tham ô, tham nhũng trong doanh nghiệp. Nguyên nhân chậm, chúng ta thấy trong một số quy định thì tỷ lệ nhà nước nắm còn cao, khó thu hút đầu tư về tài chính, chính sách về đất đai, nhiều vi phạm hoạt động" – Thủ tướng giải thích.
Nhấn mạnh trước QH rằng cổ phần hóa “không có nghĩa là mọi việc chúng ta đều phóng thích ra ngoài xã hội để thị trường hóa”, Thủ tướng nói: “Một số doanh nghiệp then chốt, yết hầu của nền kinh tế như Ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chủ yếu, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, những doanh nghiệp mà Nhà nước cần phải chi phối như điện lực, các cảng biển, các sân bay, Nhà nước phải nắm chứ không phải tất cả đều cổ phần hóa, quan điểm này phải rõ ràng, những doanh nghiệp Nhà nước không nắm thì Trung ương và Chính phủ đã quyết định lộ trình thực hiện cổ phần hóa".
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, thậm chí phát hiện rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm. Các doanh nghiệp không thực hiện tốt cổ phần hóa, thoái vốn phải bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu theo quy định.
Theo Thủ tướng, các cấp chính quyền và doanh nghiệp nhà nước phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất, bởi vướng mắc quỹ đất là chính.
“Chúng tôi rất thông cảm, xác định giá trị đất đai vừa qua trong một số nghị định của Chính phủ chưa rõ, chưa tốt nên làm chậm trễ việc này, phải tập trung làm tốt hơn để làm cơ sở cho cổ phần hóa" – Thủ tướng nêu rõ.
Đồng ý với ý kiến của ĐB là thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng không niêm yết, xem xét trách nhiệm người đứng đầu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Niêm yết để công khai hóa, đây là biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực rất là tốt”.