– Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2019, ổn định vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì, chỉ số CPI trong tầm kiểm soát và dự kiến tiếp tục ở mức thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Dự báo, cả năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 7,15% và chỉ số giá tiêu dùng trung bình là 3.1%.
Hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, trong tháng 10 vừa qua, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 10/2019 tăng 9,2% so với cùng kì năm 2018. Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, IIP ngành công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn so với mức tương ứng 10,4% của cùng kỳ năm 2018).
Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao do nhiều mặt hàng bước vào thời kỳ cao điểm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 44,9 tỷ USD, tăng 0,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2 tỷ USD so với tháng 9/2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đạt tương ứng là 22,4 tỷ USD và 22,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hoá tháng 10/2019 nhập siêu khoảng 0,1 tỷ USD.
Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần ước tính 10 tháng đầu năm đạt 29,1 tỷ tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, có sự gia tăng mạnh mẽ của hình thức góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giá trị các dự án góp vốn, mua cổ phần đang tăng nhanh, đạt 10,8 tỷ USD (chiếm 37,1% tổng số vốn FDI đăng ký), gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2018 và 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, trong những tháng đầu năm 2019, số vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng và trở thành một xu hướng mới trong đầu tư FDI tại Việt Nam.
Lạm phát 10 tháng đầu năm được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Nguyên nhân chính làm tăng chỉ số CPI chủ yếu là do giá thực phẩm tăng cao do thiếu nguồn cung (ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài trên rộng gây ra), nguyên nhân này vẫn sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực lên CPI trong những tháng tiếp theo. Tính đến hết tháng 10, chỉ số CPI tăng 2,79% so với tháng 12 năm trước và CPI tháng 10 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.
Ổn định kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì
Đưa ra những đánh giá về triển vọng kinh tế những tháng cuối năm 2019, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 có xu hướng chậm lại. Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 do các hoạt động kinh tế yếu hơn so với dự báo trước đó. Trong đó: lĩnh vực sản xuất tiếp tục trì trệ và thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp; dòng vốn FDI phục hồi so với năm 2018 nhưng còn yếu; niềm tin đầu tư giảm.
Tuy nhiên, riêng trong quý IV/2019, do những biện pháp kích thích tăng trưởng đang được triển khai và những tín hiệu tích cực hơn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, dự báo mức tăng trưởng quý này có thể phục hồi khá ở mức 3,58%.
Trên cơ sở cập nhật dữ liệu của kinh tế thế giới đến tháng 10/2019, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới IV/2019 3,58%, cả năm 2019 đạt mức 3,28% (chậm hơn mức tăng trưởng 3,7% của năm 2018).
Trong nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cũng nhận định, những tháng cuối năm 2019, ổn định vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì, chỉ số CPI trong tầm kiểm soát và dự kiến tiếp tục ở mức thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Chính sách tiền tệ được sử dụng linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng khi lạm phát ở mức thấp. Với các điều kiện thuận lợi đang có, mặt bằng lãi suất có thể giảm nhẹ, góp phần giảm chi phí vốn, hỗ trợ doanh nghiệp khi bước vào thời điểm mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm.
Đồng thời, việc giảm lãi suất điều hành vừa thực hiện (16/9/2019) cùng với các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ (như: dự trữ ngoại hối lớn, các dòng ngoại tệ tiếp tục đổ về mạnh), tỷ giá có cơ sở để tiếp tục được điều hành linh hoạt, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu trong điều kiện hầu hết các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới có xu hướng giảm giá mạnh.
Trong lĩnh vực sản xuất, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm thứ tư liên tiếp và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Trong xuất khẩu, xuất khẩu hàng điện tử - chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu - có khả năng sẽ giảm tốc so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này có thể được bù đắp do xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may, da dày và đồ gỗ ngày càng được cải thiện. Cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm 2019 và xu hướng chính của các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế trong và ngoài nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc dự báo, cả năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 7,15% và chỉ số giá tiêu dùng trung bình là 3.1%.
Minh Ngọc