(VnMedia) - Theo Luật Đấu thầu thì dự án sân bay Long Thành phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất phương án chỉ định thầu và giao Tổng Công ty Cảng hàng không ACV. Điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn….
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) chiều 14/10, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, về hình thức đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất phương án chỉ định thầu và giao Tổng Công ty Cảng hàng không ACV. Đại biểu Tiến đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ các căn cứ, nguyên tắc khi tiến hành chỉ định thầu đối với dự án này.
“Nghị quyết số 01/2019 của Chính phủ đã nêu rõ “đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu”, tuy nhiên trong cả 04 hạng mục của Dự án đều đề cập hình thức đầu tư là chỉ định thầu”, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết và đề nghị Chính phủ giải trình rõ trước khi trình Quốc hội xem xét cơ chế chỉ định thầu.
Trong khi đó, đồng tình với Báo cáo Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), cho rằng khi giải trình trước Quốc hội, Chính phủ làm rõ lý do, nguyên tắc, cơ chế chỉ định thầu, năng lực và khả năng phân bổ nguồn lực của nhà thầu.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng nhấn mạnh, theo quy định, Dự án này phải áp dụng phương thức đấu thầu nhưng Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu thì cần làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu và Quốc hội cũng chỉ quyết định về cơ chế chỉ định thầu, chứ không tiến hành chỉ định thầu đối với một đơn vị cụ thể như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đã nêu sẽ không làm tăng trần nợ công nếu sử dụng vốn ODA, nhưng đây là dự án thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, phải đưa vào nợ công, vì vậy đại biểu Giang đề nghị Chính phủ phải giải trình rõ vấn đề này.
![]() |
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh yêu cầu khi tính toán tổng mức đầu tư dự án, cần bám sát các quy định trong Nghị quyết 94 của Quốc hội, trong đó nhà nước bố trí nguồn vốn, nhưng khi thực hiện trên thực tế có khả năng tăng cao hơn dự kiến. Ngoài ra, trong báo cáo, Chính phủ chưa phân tích rõ những tác động của nguồn vốn ODA ảnh hưởng như thế nào đến nợ công, những ràng buộc của các bên tài trợ và Chính phủ có phải bảo lãnh đối với nguồn vốn này hay không?
Tham gia ý kiến tại phiên họp, chuyên gia Đặng Huy Đông cho rằng, cần nhìn nhận rõ thế mạnh khi xây dựng dự án. "Dự án có thành công hay không do tư tưởng phát triển, do tầm nhìn và thiết kế sân bay, trong đó tận dụng tốt ưu thế là địa điểm lên xuống thuận lợi như về lao động và lợi thế kết nối với các quốc gia. Để làm được điều này cần xây dựng quy hoạch kết nối đồng bộ giữa sân bay với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt cao tốc như một số sân bay trên thế giới đã triển khai"- ông Đông nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, xây dựng được hệ thống đồng bộ cần nguồn vốn rất lớn, huy động từ nhiều nguồn... và doanh nghiệp nhà nước cần làm chủ đầu tư đối với những hạng mục quan trọng, thiết yếu; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha có làm tăng nguồn vốn đầu tư và có ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã đề xuất bổ sung 02 tuyến giao thông kết nối Cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.
Trong đó, tuyến số 01 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Tuyến số 02 (dài (3,5 km), kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Báo cáo nghiên cứu khả thi nêu rõ, do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khia thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời tuyến số 01 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của Dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trực tiếp đầu tư. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng và diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.
Việc bổ sung 2 tuyến giao thông này cũng là điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn về việc tăng tổng mức đầu tư cũng cũng như tăng diện tích quy hoạch tổng thể dự án đã được Quốc hội phê duyệt.
Các đại biểu đề nghị Báo cáo nêu rõ việc bổ sung 2 tuyến đường sẽ thu hồi loại đất gì, bao hiêu hộ dân, đồng thời cần làm sáng tỏ việc điều chỉnh đó nhằm mục tiêu gì, đánh giá tác động của việc bổ sung 02 tuyến đường kết nối với Cảng như thế nào...
ACV có năng lực tài chính "tương đối tốt"
Thông tin về tình tình giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai Dự án, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết, cuối năm 2017 Quốc hội thông qua Nghị quyết giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư giải phóng 5.000 ha phục vụ Dự án. Hiện địa phương này đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 6 xã; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh và cấp huyện; dự kiến cuối năm 2019 sẽ khởi công hạ tầng khu tái định cư. Tỉnh Đồng Nai cam kết cuối năm 2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai giai đoạn 1 của Dự án. Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối, dự kiến có 321 hộ dân trong diện thu hồi, tỉnh cũng có phương án ưu tiên giải phóng mặt bằng, để làm đường phục vụ thi công dự án.
Giải trình trước các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án rất cấp thiết, bởi Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giảm tải đáng kể cho Sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lân cận.
Về nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không ACV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã báo cáo Chính phủ, theo đó, tài chính của ACV tương đối tốt. Hiện các kế hoạch mà ACV trình Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước xem xét giám sát chặt chẽ về khả năng đáp ứng vốn. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải sẽ có báo cáo cụ thể, chi tiết về tiến độ, phương án tài chính, các giai đoạn triển khai dự án đến Quốc hội giám sát.
Xuân Hưng