
Chiều qua (13/11), tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm: “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá - Những vấn đề đặt ra”. Tại đây, những vẫn đề ‘nóng’ liên quan đến buôn lậu thuốc lá được nhiều phóng viên quan tâm.
Đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn rất manh động
Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp. Và buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, từ phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lào, Tây Nam giáp Campuchia, tuyến biển. Trong đó, tuyến biển buôn lậu một cách trực tiếp, nhưng chiêu thức khá tinh vi.
Qua số liệu của ngành Hải quan, từ năm 2014 đến 2018, ngành đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có 1 vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng. “Như vậy là lực lượng hải quan bắt khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được 1 vụ”, ông Quang thông tin.
Đưa ra chiêu thức hoạt động của giới buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cho biết, đối tượng có sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cực lớn. Lực lượng quản lý thị trường cũng như bộ đội biên phòng không có đủ trang thiết bị để đuổi theo khi hàng thuốc lá lên xuồng máy. Đây là một trở ngại rất lớn gây khó khăn trong việc bắt giữ đối tượng buôn lậu.
![]() |
Cũng theo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, trong thời gian vừa qua, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến khá phức tạp và tinh vi. Số lượng thuốc lậu bị bắt giữ liên tục tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2016, lực lượng này thu giữ được gần 1 triệu bao; 2017 gần 2,7 triệu bao và tính đến thời điểm tháng 8/2018 đã là 2 triệu bao.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng chia sẻ, tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra rất tinh vi, liều lĩnh, manh động.
Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á qua qua khảo sát bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…
“Có thể nói đây đã trở thành vấn nạn quốc gia. Theo số liệu chúng ta có được hàng năm, lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng, ông Cường thông tin.
Buôn lậu thuốc lá lôi kéo được đông dân cư tham gia
Đưa ra những khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Khánh Quang cho biết, vấn nạn buôn lậu thuốc lá có thể lôi kéo được đông dân cư tham gia vào. “Số lượng ít đi qua cửa khẩu thì còn có thể kiểm soát, chứ đi theo đường tiểu ngạch sang biên giới rất khó. Bởi nó có thể đi theo con nước, theo mùa”, ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp được trang bị rất tốt, phương tiện đa dạng với tốc độ chạy rất nhanh. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chia sẻ, thực trạng buôn lậu thuốc lá đang diễn ra liên tục và thường xuyên. Đây là một thách thức vô cùng to lớn cho cơ quan chức năng.
Theo ông Nhưỡng, buôn lậu thuốc lá không chỉ làm thất thu lớn về thuế mà còn gây rủi ro cho người thi hành công vụ. “Vấn đề buôn lậu có thể dẫn đến thương vong, dẫn đến mất cán bộ quản lý, làm gia tăng các rủi ro vi phạm pháp luật, gia tăng thêm các tệ nạn, thậm chí có thể có các băng nhóm xã hội đen sẵn sàng bảo kê lợi ích, cạnh tranh”, ông Nhưỡng thông tin.
Trước tình trạng buôn lậu thuốc lá không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua, ông Vũ Văn Cường kiến nghị, các bộ, ban, ngành Chính phủ cần triển khai một cách quyết liệt, đúng tinh thần Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2014. Cùng với đó, định kỳ phải thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá lậu.
Ông Cường cũng cho rằng, cần có sự tăng cường phối hợp, không chỉ với các lực lượng mà còn với các cơ quan của các nước hữu quan, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Cùng với đó, cần có sự huy động người dân tham gia, khuyến khích về vật chất, tinh thần, đối với những ai tích cực tố cáo, tố giác hành vi buôn lậu. Phải xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu.
Về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Hồng Sơn, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục Quản lý Thị trường đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập vào ngày 12/10/2018. Tới đây Tổng cục sẽ kiện toàn và theo hướng ngành dọc và công tác chỉ đạo sẽ được xuyên suốt hơn so với trước đây.
“Chúng tôi xác định công tác phối hợp với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển, và tiếp tục phối hợp với công an trong công tác khám xét hàng hoá. Vì với lực lượng quản lý thị trường đôi khi xin giấy phép hay lệnh khám nhà của các đối tượng cất giấu trong nhà, thì xin được xong các đối tượng đã tẩu tán vì thuốc lá là mặt hàng dễ tẩu tán”, ông Sơn đưa ra những giải pháp sẽ thực hiện trong phòng chống thuốc lá lậu.
Yến Nhi