(VnMedia) - Sáng 28/5, tại nghị trường Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng để thất thoát vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ thì không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà cả cán bộ quản lý của các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm, thậm trí phải chịu xử lý hình sự.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đồng tình với báo cáo giám sát của Quốc hội, báo cáo đã phân tích 2 giai đoạn trước năm 2012 và từ năm 2012-2016. Bộ trưởng dẫn hàng loạt luật và nghị định, cho biết giai đoạn 2012-2016 có sự thay đổi thể chế, pháp quy liên quan đến quản lý nhà nước, thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, cũng như trong nhận định đánh giá báo cáo giám sát khẳng định thời gian vừa qua với những chức năng nhiệm vụ lớn trong đó có những nhiệm vụ cân đối vĩ mô, phát triển ngành những yêu cầu trong quản lý vốn nhà nước về cơ bản hoàn thiện, từng bước có hiệu quả.
Liên quan đến nội dung liên quan tới quản lý vốn nhà nước, người đại diện sở hữu vốn nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng có nhiều tồn tại, yếu kém, trong đó là có yếu tố khách quan nhưng chủ yếu là chủ quan.
Thứ nhất, thể chế và quy phạm pháp luật liên tục được cải tiến, bổ sung từ thực tiễn, hàng loạt văn bản luật và dưới luật còn xung đột, thậm chí khoảng trống dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập, chồng chéo giữa quản lý nhà nước của các bộ, ngành với vai trò quản trị chủ quản của doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, một mặt hoạt động của doanh nghiệp thiếu sự tự chủ vì chịu sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính mặt khác đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp ỷ lại.
Thứ hai, Bộ trưởng thừa nhận có thực tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nhiều chủ trương lớn được nghiên cứu xây dựng ở doanh nghiệp nhà nước rồi thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước nên hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh không đảm bảo hiệu quả, nhiều trường hợp “dắt trâu qua rào”, những dự án quy mô đầu tư lớn nhưng chất lượng không cao dẫn đến bị mất mất vốn, sai phạm.
“Thứ ba, với cơ chế quản lý chồng lấn nên có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm, điển hình là 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, trong số này có nhiều dự án phản ánh đúng tình trạng quản lý vốn, quản trị DN yếu kém. Như vậy, không chỉ lãnh đạo các DN này mà cán bộ quản lý Bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả hình sự” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho rằng cần đẩy nhanh hoàn thiện ủy ban quản lý vốn nhà nước, không phải thoái vốn, bán đi doanh nghiệp hiệu quả để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác không đem lại hiệu quả.
Khi thoái vốn cần lưu ý hiệu quả nhà nước cao nhất, nếu giữ phần vốn quá cao sẽ không đảm bảo gắn với lợi ích phát triển bền vững nhưng nếu tiếp tục duy trì vốn nhà nước ở mức tối thiểu sẽ không đảm bảo lợi ích nhà nước nếu nhà đầu tư mới nắm cổ phần chi phối.
“Chúng tôi xác định phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cả về thể chế, pháp lý… để phân định rạch ròi quản lý nhà nước và chủ quản doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế trong nước, cam kết hội nhập để DNNN, tư nhân khai thác được cơ hội thị trường” - ông Tuấn Anh nói.
Khánh An (ghi)