Nguyên nhân nào khiến giá điện bất ngờ tăng từ đầu tháng 12?

07:37, 03/12/2017
|
(VnMedia) -  “Trong 2 năm từ 2014 -2016, sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đều bị lỗ. Ngoài ra, EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá và chưa được tính vào giá điện”. 
 
EVN vẫn còn treo khoản lỗ lớn do tỷ giá gây ra
 
Bộ Công Thương vừa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017.
 
Theo kết quả công bố này, năm 2016, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2016 là 265.510 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658 tỷ đồng.
 
Trước các số liệu công bố trên, một câu hỏi được đặt ra tại sao EVN đang kinh doanh có lãi nhưng vẫn tăng giá điện.
 
Lý giải về vấn đề này, đại diện Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán độc lập của EVN cho biết, thực tế qua các số liệu kiểm toán, từ 2014 -2016, sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn EVN đều bị lỗ. Ngoài ra, EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá, và chưa được tính vào giá điện.
 
"Theo chuẩn mực kế toán, khoản lỗ tỷ giá này phải đưa vào báo cáo ngay lập tức. Tuy nhiên, do giá điện không thể tăng ngay được, nên Chính phủ cùng các bộ ban ngành cho phép EVN được treo phần lỗ tỷ giá này và phân bổ theo từng năm", đại diện Deloitte Việt Nam cho hay.
 
Theo lý giải của đại diện Deloitte Việt Nam, trong quá trình sản xuất kinh doanh của EVN, do nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện lớn nên tập đoàn phải huy động vốn từ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc vay vốn trong nước bị khống chế tỷ lệ, vốn có hạn, lãi suất cao, EVN phải vay vốn nước ngoài. “Mặc dù trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chính sách điều hành tỷ giá ổn định nhưng biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng USD vẫn rất lớn, khiến EVN vẫn chịu khoản lỗ tỷ giá. Hiện khoản lỗ tỷ giá đang treo của EVN khoảng 9.500 tỷ đồng”, đại diện Deloitte Việt Nam cho hay.
 
EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá và chưa được tính vào giá điện. Ảnh minh họa
EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá và chưa được tính vào giá điện. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá điện lần này được căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân….
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh khá mạnh trong các năm qua. Cùng đó là các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng gia tăng. Bên cạnh đó, sức ép từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 9.000 tỷ đồng vẫn chưa được tính đầy đủ vào giá điện.
 
"Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện", ông Tuấn giải thích.
 
Tích cực phát triển thị trường điện cạnh tranh để thu hút đầu tư
 
Liên quan đến câu hỏi, liệu việc tăng giá điện lần này có đủ sức thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào như chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện,…
 
Cũng theo ông Tuấn, hiện Bộ Công Thương cũng đang tích cực trong thị trường bán buôn cạnh tranh để thu hút đầu tư trong ngành điện. "Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện", ông Tuấn bày tỏ quan điểm.
 
Trước đó, thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 5070/QĐ-BCT ngày 28/12/2016 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3173/QĐ-BCT ngày 17/8/2017 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện; tình hình thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng; công tác thống kê và công tác tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên.
 
Về nội dung kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN, Tổ công tác gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
 
Trong thời gian qua, Tổ công tác đã kiểm tra thực tế tại Công ty mẹ - EVN và một số đơn vị thành viên của EVN.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc