Xuất hiện động lực mới giúp doanh nghiệp EU đầu tư mạnh vào Việt Nam

06:50, 06/11/2017
|

(VnMedia) – Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), sẽ tạo ra động lực mới cho việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU và Việt Nam.

EVFTA sẽ tác động đến tăng trưởng và đầu tư

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, EU là một liên minh kinh tế bao gồm 28 nước thành viên, cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Riêng về quan hệ kinh tế Việt Nam – EU, EU là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU liên tục tăng từ năm 2010 đến 2015. Năm 2015 Việt Nam xuất khẩu vào EU 30 tỷ 900 triệu USD. Nhìn chung, tính bình quân, EU chiếm 19% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ (21%) và vượt xa các thị trường lớn khác. Riêng các năm 2012, 2013, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và lớn hơn cả Hoa Kỳ.

Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng liên tục từ năm 2003 đến năm 2015 nhưng tốc độ tăng chậm hơn, từ 2 tỷ 500 triệu năm 2003 lên 10 tỷ 300 triệu năm 2015 và chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn cho hơn Hoa Kỳ (5%). Như vậy, Việt Nam luôn xuất siêu vào EU, năm 2015 xuất siêu 20 tỷ 600 triệu USD.

Với những tiềm lực trên, ông Tuyển khẳng định: “EU là đối tác có vị thế rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển của Việt Nam”.

Với việc thuế suất cơ sở từ 0 – 30% được xóa bỏ trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ EU với mức giá hợp lý hơn
Với việc thuế suất cơ sở từ 0 – 30% được xóa bỏ trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ EU với mức giá hợp lý hơn

Liên quan đến EVFTA, ông Tuyển cũng cho biết, với những cam kết sâu rộng về mở rộng thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư... hiệp định này sẽ tác động đến tăng trưởng thông qua thu hút đầu tư và mở rộng xuất khẩu.

Dẫn chứng về vấn đề này, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ, EU gồm 28 thành viên đã là nhà đầu tư thuộc top đầu của Việt Nam. Với các kết mở của thị trường sâu rộng về đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất (dịch vụ), lại được ràng buộc bởi những cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, EVFTA sẽ tạo động lực mới cho việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam.

Ngoài ra, với mức cắt giảm thuế theo nguyên tắc 7/10, theo đó EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tối đa trong 7 năm theo các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, sau 5 năm và 7 năm. Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn sau 10 năm với các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, sau 5 năm, sau 7 năm và sau 10 năm.

Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, trong thực tế đàm phán, một số giòng thuế của cả hai bên có lộ trình dài hơn, tuy nhiên EU vẫn là bên có lộ trình loại bỏ nhanh hơn, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được loại bỏ hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc với lộ trình ngắn. Điều này sẽ tạo xung lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các thành viên EU.

“FTA Việt Nam – EU càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP”, ông Trương Đình Tuyển khẳng định.

Nhiều ngành sẽ hưởng lợi từ EVFTA

Theo EVFTA, hai bên thống nhất lấy Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (MFN) áp dụng vào ngày 26/2/2012 làm mức thuế cơ sở để thực hiện cắt giảm theo lộ trình cam kết .

Cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu, Hiệp định cũng quy định lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, điều này làm tính cạnh tranh về giá tăng lên. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trong đó có thể kể đến, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ thông qua cơ chế hạn ngạch thuế quan, trong đó, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch sẽ được hưởng mức thuế 0%. EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn và lượng hạn ngạch đối với từng loại gạo. Cụ thể: Khối lượng trên là khá so với lượng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang EU trong 3 năm 2011 – 2013 là 28.000 tấn/năm.

Ngoài ra, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm và đối với các sản phẩm từ gạo sau 3 – 5 năm.

Đối với hàng dệt may, đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể, từ khoảng 1,5 tỷ USD năm 2007 lên gần 3,5 tỷ USD năm 2015.

Trong nhóm hàng dệt may, 42,5% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở từ 8 – 12% và sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các sản phẩm dệt may còn lại cũng có mức thuế suất cơ sở tương tự như trên, sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 năm đến 7 năm. Với cam kết của EU, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Về nguyên phụ liệu dệt may, da giày, trong giai đoạn 2007 – 2015, Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 180 triệu USD kim ngạch nhóm hàng này. Với việc thuế suất cơ sở từ 0 – 30% được xóa bỏ trong tương lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ EU với mức thuế nhập khẩu thấp hơn, giúp làm hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm quy tắc xuất xứ tốt hơn.

Ngoài ra, với việc thuế suất cơ sở từ 0 – 30% được xóa bỏ trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ EU với mức giá hợp lý hơn.

Việc sử dụng nguyên phụ liệu dệt may, da giày của EU sẽ góp phần tăng hàm lượng giá trị nội địa của các sản phẩm dệt may, da giày mà Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang EU. Từ đó, khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khi vào thị trường EU cũng cao hơn.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc