Tỷ phú giàu nhất Trung Đông bị bắt vì nghi án tham nhũng

14:37, 06/11/2017
|

Nhà vua tương lai của Saudi Arabia, thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman, vừa có động thái củng cố quyền lực bằng cách bắt giữ một loạt nhân vật hoàng gia, bộ trưởng và nhà đầu tư bị nghi tham nhũng. Trong số những người bị bắt có hoàng tử Alwaleed bin Talal, tỷ phú giàu nhất Trung Đông và là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Saudi Arabia.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là 3 quan chức cấp cao Saudi Arabia cho biết, các nghi phạm tham nhũng bị bắt bao gồm 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng và 10 cựu bộ trưởng. Trong đó, hoàng tử Alwaleed, một người cháu trai của nhà vua, là người sở hữu Kingdom Holding - tập đoàn với những khoản đầu tư vào các công ty hàng đầu thế giới như Citigroup hay Twitter.

Bị bắt trong vụ thanh trừng nhằm vào giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới còn có hoàng tử Miteb bin Abdullah, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Những cáo buộc đối với hoàng tử Alwaleed bao gồm tội rửa tiền, hối lộ, và ép buộc nhằm nhận hối lộ từ các quan chức, một nguồn tin tiết lộ ngày 2/11. Trong khi đó, hoàng tử Miteb bị buộc tội biển thủ công quỹ, thổi phồng số nhân viên được thuê, và thiên vị công ty riêng.

Hoàng tử Alwaleed của Saudi Arabia trong một lần xuất hiện ở London vào tháng 7/2013 - Ảnh: Reuters
Hoàng tử Alwaleed của Saudi Arabia trong một lần xuất hiện ở London vào tháng 7/2013 - Ảnh: Reuters

Vụ thanh trừng diễn ra ngay sau khi nhà vua Salman của Saudi Arabia vào ngày Chủ nhật công bố sắc lệnh thành lập một ủy ban chống tham nhũng do thái tử Mohammed làm Chủ tịch. Từ chỗ là một hoàng tử ít được biết đến, chỉ trong vòng 3 năm qua, hoàng tử Mohammed đã nổi lên thành người đứng đầu những nỗ lực cải cách của Saudi Arabia, và mới được bổ nhiệm vào cương vị thái tử cách đây chưa lâu.

Ủy ban chống tham nhũng mới thành lập của Saudi Arabia được trao thẩm quyền rộng lớn về điều tra, phát lệnh bắt giữ và hạn chế đi lại, và tịch thu tài sản của các nghi phạm tham nhũng. Cuộc thanh trừng đầu tiên của cơ quan này gây chấn động ở Saudi Arabia, bởi các nhân vật hoàng gia và quan chức cấp cao ở nước này xưa nay thường được coi là "bất khả xâm phạm".

Giới phân tích cho rằng động thái này là một biện pháp phủ đầu nữa của vị thái tử trẻ nhằm loại bỏ những nhân vật quyền lực, theo đó gia tăng sự kiểm soát đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Cuộc thanh trừng khiến nhiều người nhớ lại những gì xảy ra hồi tháng 6 năm nay, khi người anh họ của ông Mohammed là ông Mohammed bin Nayef bị truất ngôi thái tử, rồi ông Mohammed lên thay và nắm luôn ghế Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong vòng 1 năm qua, thái tử Mohammed trở thành người ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề quân sự, đối ngoại, kinh tế và chính sách xã hội của Saudi Arabia, gây ra tâm lý bất mãn trong một số bộ phận của hoàng tộc Al Saud, những người không vui vì sự nổi lên nhanh chóng của ông.

Ranh giới giữa ngân sách chính phủ và ngân sách dành cho hoàng gia ở Saudi Arabia đôi khi không rõ ràng. Trang WikiLeaks từng nói về những khoản chi khổng lồ hàng tháng dành cho các thành viên hoàng tộc, cũng như những chương trình đầu tư chỉ để phục vụ cho lối sống xa xỉ của hoàng tộc.

Giới phân tích nói vụ thanh trừng trên không chỉ nhằm mục đích chống tham nhũng mà còn nhằm loại bỏ sự phản đối có thể xảy ra đối với chương trình cải cách đầy tham vọng của thái tử Mohammed - người đưa ra chiến lược mang tên Tầm nhìn 2030 nhằm chuẩn bị cho Saudi Arabia trong kỷ nguyên hậu dầu lửa. Chương trình cải cách của ông Mohammed rất được lòng giới trẻ Saudi Arabia, nhưng vấp phải sự phản kháng của một số nhân vật kỳ cựu trong hoàng gia vốn muốn giữ nguyên trạng hoặc chỉ muốn thay đổi chút ít.

Hồi tháng 9, Saudi Arabia dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe. Thái tử Mohammed cũng đang tìm cách phá vỡ những truyền thống bảo thủ khác của nước này nhằm phát triển lĩnh vực giải trí và thu hút thêm du khách. Ông cũng đã cho cắt giảm mạnh chi tiêu trong nhiều lĩnh vực và dự kiến bán nhiều tài sản nhà nước, bao gồm kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco.

Hoàng tử Alwaleed, một người có tính cách bốc đồng, đã không ít lần sử dụng ảnh hưởng của mình để chỉ trích những người nắm quyền cao nhất ở Saudi Arabia. Cha của ông Alwaleed là hoàng tử Talal, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc cải tổ trong nội bộ hoàng tộc Saud. Nhiều thập kỷ trước, ông Talal từng kêu gọi Saudi Arabia chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, thay vì quân chủ chuyên chế như vẫn áp dụng cho tới ngày nay.

Theo số liệu của tạp chí Forbes, ông Alwaleed hiện sở hữu khối tài sản ròng 17,3 tỷ USD và là người giàu nhất khu vực Trung Đông.

Theo VnEconomy


Ý kiến bạn đọc