Sự thật về quy mô ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam

15:57, 12/10/2017
|
(VnMedia) - Mặc dù ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây, nhưng quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia).
 
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo - Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam, vừa diễn ra sáng nay (12/10) tại Hà Nội.
 
Công nghiệp ô tô Việt Nam đang phát triển như quy mô quá nhỏ
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Bằng chứng, năm 2016, sản lượng đạt trên 2 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014.
 
Đáng chú ý, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ.., với sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số Công ty trong nước Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty Cổ phần ô tô TMT.... và các Tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi...).
 
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 460 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200 ngàn xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215 ngàn xe/năm). Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.
 
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ. Ảnh minh họa
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ. Ảnh minh họa
Bên cạnh lợi thế và tiềm năng ngành công nghiệp ô tô mang lại, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, ngành này hiện vẫn còn nhiều hạn chế như chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản). Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. 
 
Riêng về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
 
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô.
 
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường. GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để người dân có thể sở hữu ô tô...
 
Sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn ngành ô tô
 
Đưa ra ý kiến về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cho rằng, chúng ta không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Và khi nhận thức được như thế thì mới có các chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô của nó vô cùng lớn.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô. Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Bởi, chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, từ đó là động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên.
 
“Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các Tập đoàn, Tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ hai tiêu chí lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
 
Thông tin Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014) và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014) với định hướng cụ thể:
 
Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con): tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người ViệtNam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid, xe điện.…) gồm: Xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
 
Đối với xe tải và xe khách: tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng, gồm có: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh - quốc phòng; xe nông dụng đa chức năng.
 
Về công nghiệp hỗ trợ: định hướng trong thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc