Phá sản ngân hàng: Mức bảo hiểm tiền gửi quá thấp!

07:11, 27/10/2017
|

(VnMedia) - Ngày 26/10, góp ý việc xây dựng dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu quan điểm: Với quy định phá sản, cần làm rõ việc có trả đủ gốc và lãi cho người dân hay không. Theo ông Đồng, nếu không trả đầy đủ cho người dân thì sẽ gây tác hại cho cả nền kinh tế và mất trật tự an toàn xã hội, dân sẽ mất lòng tin vào ngân hàng và nhà nước, sẽ đồng loạt rút tiền gửi, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn.

Đại biểu
Đại biểu  Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

Theo đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), phương án chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền, cũng như bảo đảm đến an toàn của cả hệ thống tín dụng. Điều 151 dự thảo Luật quy định về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong đó có 2 điều kiện để áp dụng chuyển giao bắt buộc là giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm cũng như có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) cho rằng, quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được quy định rõ nét trường hợp ngân hàng đổ vỡ, phá sản, trong khi đây là cổ đông đặc biệt của ngân hàng khi góp 85% vốn huy động.

Theo quy định hiện hành, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản. Bà Thủy đánh giá, mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng là quá thấp.

“Không thể người gửi 100 tỷ đồng và người gửi 100 triệu cũng đều nhận số tiền đền bù cao bằng như nhau, là 75 triệu đồng. Người gửi tiền phải được nhận lại số tiền ứng với số đã gửi”, bà Thủy nhấn mạnh.

Không sử dụng tiền ngân hàng để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Đặt ra vấn đề không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, nguyên tắc này chưa được quán triệt một cách triệt để trong dự thảo Luật. Đại biểu phân tích, với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các tổ chức tín dụng sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này? Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém". Đại biểu đặt ra câu hỏi, quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách nhà nước trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%. Nếu có ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank phân tích: Trường hợp cho vay đặc biệt nhưng không thu hồi đủ thì tiền thiếu hụt sẽ phải xin ý kiến Quốc hội, trong khi tiền đã đưa ra trả cho người gửi tiền. Với các khoản vay không thu hồi được thì chưa rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Thắng, nếu trường hợp không bao hàm cho phép sử dụng nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức thì sẽ có khoảng trống khi ngân hàng bị phá sản không đủ tiền chi trả đầy đủ cho dân. Hệ luỵ sẽ là gây mất an ninh an toàn tiền tệ. "Trong trường hợp phải cân đối chấp nhận bỏ ngân sách ra không. Mặc dù khoản ngân sách bỏ ra chỉ rất nhỏ thôi nhưng sẽ có tác dụng đảm bảo an ninh an toàn xã hội. Tôi đề nghị cho phép Chính phủ được sử dụng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ bồi thường tín dụng trong trường hợp phá sản như ở luật kỳ 3"- ĐB Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Khánh An (ghi)


Ý kiến bạn đọc