Người Việt chuyển hướng mua sắm từ hàng Trung Quốc sang Thái Lan

06:51, 17/10/2017
|
(VnMedia) - Nếu như trước đây, nhiều mặt hàng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay đã chuyển dịch sang Thái Lan do người tiêu dùng đánh giá cao hàng hóa từ quốc gia này hơn.
 
Thời gian vừa qua, hàng Thái Lan đã nổi lên như một hiện tượng khi đâu đâu cũng bắt gặp những cửa hàng với tên gọi “Tiêu dùng nhập khẩu hàng Thái Lan”. 
 
Đặc biệt, trước làn sóng các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập nhiều chuỗi bán lẻ của Việt Nam như Metro, Big C, Family Mart, Điện máy Nguyễn Kim… , hàng Thái Lan lại càng có cơ hội ‘đổ bộ’ vào Việt Nam.
 
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016, nước ta đã nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,16 tỷ USD. 8 tháng đầu năm nay, mức nhập siêu này đã tăng lên 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. 
 
Thực tế, không phải thời gian gần đây mà ngay từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 339 triệu USD. Nhật siêu tăng mạnh nhất trong giai đoạn từ 2001 – 2008 vơi con số năm 2001 là 470 triệu USD, đến năm 2008 đã đạt mức 3,6 tỷ USD, tăng gần 8 lần trong vòng 8 năm. 
 
Trong 8 tháng qua, nhập siêu từ Thái Lan tăng 15,6% do một số mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh như rau quả tăng 182%; xăng dầu tăng 56%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 46%; kim loại tăng 187%.
 
Mua bán, sáp nhập là cơ hội để hàng Thái Lan vào Việt Nam
 
Đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhập siêu từ Thái Lan tăng mạnh. 
 
Trong đó có thể kể đến, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, hàng hóa của các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu so với mức thuế chung của Việt Nam nên có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam nhiều hơn. 
 
Thực hiện Hiệp định ATIGA, đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 90% dòng thuế và sẽ xóa bỏ 98% số dòng thuế vào năm 2018. 
 
Nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng do sản phẩm Thái Lan có sức cạnh tranh tốt cả về chất lượng, giá cả và mẫu mã nên vẫn được ưa chuộng hơn. Ảnh minh họa
Nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng do sản phẩm Thái Lan có sức cạnh tranh tốt cả về chất lượng, giá cả và mẫu mã nên vẫn được ưa chuộng hơn. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thái Lan tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đến nay, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành muc bán, sáp nhập nhiều chuỗi bán lẻ của Việt Nam như Metro, Big C, Family Mart, Điện máy Nguyễn Kim. 
 
“Việc các nhà đầu tư Thái Lan mua lại hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam, đã tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng gia dụng, hàng tiêu dùng sản xuất tại Thái Lan, với ưu thế về chất lượng, mẫu mã và mức giá cạnh tranh sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam và trực tiếp đến với người tiêu dùng”, đại diện Bộ Công Thương cho hay. 
 
Một lý do nữa cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra là, mức ngân sách từ Thái Lan chủ yếu do việc nhập khẩu một số nhóm mặt hàng có kim ngạch lớn như điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, máy móc thiết bị, máy vi tính, ô tô và linh kiện, rau quả… Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm này do có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, chủng loại đa dạng.
 
Ngoài ra, nếu như trước đây, nhiều mặt hàng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay đã chuyển dịch sang Thái Lan do người tiêu dùng đánh giá cao hàng hóa từ quốc gia này hơn. Đặc biệt, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng do sản phẩm Thái Lan có sức cạnh tranh tốt cả về chất lượng, giá cả và mẫu mã nên vẫn được ưa chuộng hơn. Có thể kể đến một số mặt hàng trong nhóm này như sản phẩm ngũ cốc, bánh kẹo, sắt thép…
 
Sẽ tích cực đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, giảm nhập siêu từ Thái Lan không phải chuyện một sớm một chiều và trong tương lai gần, nhập siêu từ Thái Lan vẫn là vấn đề khó tránh khỏi. Vì vậy, để giảm nhập siêu từ thị trường này cần giải pháp đồng bộ, từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
 
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Nam cho hay, phía Bộ Công Thương sẽ tích cực đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường, thúc đẩy phía Thái Lan cấp phép nhập khẩu một số mặt hàng trái cây của Việt Nam. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
 
Ông Nam cũng cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề nhập siêu từ Thái Lan như một sức ép tất yếu của quá trình hội nhập, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại hàng hóa với giá thành cạnh tranh. Đồng thời, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng. Đây được xem là giải pháp giảm nhập siêu hữu hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững.
 
Trong khi đó, tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì với Lãnh đạo một số đơn vị liên quan trong Bộ, để tìm nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan diễn ra hồi tháng 9, người đứng đầu ngành Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động và quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp đã được xác định nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan, khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.
 
Bên cạnh đó, đề nghị hệ thống siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các Tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam. 
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc