Hôm nay (1/7), nhiều quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực

06:43, 01/07/2017
|
(VnMedia) – Bắt đầu từ hôm nay (1/7), hàng loạt chính sách quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân như tăng lương đối với công chức, viên chức; Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề… 
 
Tăng lương đối với công chức, viên chức
 
Từ 1/7/2017, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ là 1.300.000 đồng/tháng (thay cho mức cũ là 1.210.000 đồng/tháng).
 
Đây là nội dung chính tại Nghị định 47/2017/NĐ-CP vừa được ban hành. Theo đó, 9 đối tượng được hưởng mức lương mới gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010.
 
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
 
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
 
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện
 
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn 2159/BHXH-BT, hướng dẫn mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn theo mức lương cơ sở mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Về thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, căn cứ vào mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7/2017 là 1.300.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng so với mức hiện hành là 1.210.000 đồng/tháng) để đóng bảo hiểm  xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
 
Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng thay đổi, mức cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).
 
Đối với đối tượng chỉ tham gia bảo hiểm y tế, áp dụng mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng để tính mức đóng bảo hiểm y tế.
 
Tăng hàng loạt công tác phí cho cán bộ, công chức
 
Theo Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, hàng loạt các mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng...mới được ban hành theo hướng tăng thêm. Mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác là 200.000 đồng/ngày.
 
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).
 
Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
 
Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
 
Theo quy định, thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ: Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
 
Lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh, sinh viên. Lớp học thực hành không quá 18 học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học sinh, sinh viên đối với nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành).
 
Thông tư cũng quy định, thời gian làm việc của giáo viên dạy cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 44 tuần/năm học, trong đó, giảng dạy và giáo dục học sinh, sinh viên 32 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 36 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề; Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học: 12 tuần đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 8 tuần đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.
 
Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học: Từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; Từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp; Từ 500 đến 580 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp.
 
Áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên mới
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.
 
Theo đó, giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4, còn giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP.
 
Khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, gồm: Khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại;  khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên.
 
Căn cứ Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương.
 
Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2017.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc