Việt Nam phải phát triển nhanh để bắt kịp các nước trong khu vực

07:13, 28/06/2017
|
(VnMedia) -  Theo TS Trương Văn Phước - đại diện Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện Việt Nam mới chỉ thoát khỏi ngưỡng thu nhập thấp và bước vào quốc gia thu nhập trung bình, do đó để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam phải tiếp tục đi nhanh hơn nữa.
 
Việt Nam cần tiếp tục đi nhanh để bắt kịp thế giới
 
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, TS Trương Văn Phước - đại diện Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, nếu nhìn vào con số tăng trưởng của Việt Nam thì tốc độ đã tăng khá cao, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì GDP trong nước vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
 
Theo đại diện Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thực tế Việt Nam mới chỉ thoát khỏi ngưỡng thu nhập thấp và bước vào quốc gia thu nhập trung bình, do đó để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam phải tiếp tục đi nhanh hơn nữa.
 
“Trong bối cảnh thế giới chuyến biến mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam lại càng phải tăng tốc để có thể bắt kịp và tận dụng đòn bảy công nghệ vô cùng lớn lao này. Chỉ có vậy, Việt Nam mới có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước đang phát triển trong khu vực. Đó là lý do cần phải tăng trưởng cao khi nhìn từ bình diện quốc tế", TS Trương Văn Phước phân tích.
 
Với những biến động khó lượng từ phía quốc tế và nhìn từ khía cạnh trong nước, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam còn không ít khó khăn thách thức. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa cao khi còn phụ thuộc vào tích lũy và gia tăng các yếu tố đầu vào mà không phải tăng năng suất lao động. Động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đối ngoại mà chưa thấy rõ vai trò chủ lực của khu vực tư nhân.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Các yếu tố đe dọa ổn định vĩ mô trong nước (như thâm hụt ngân sách và nợ công) dồn tích nhiều năm nay chưa xử lý triệt để hoặc chậm cải thiện. ‘Mô hình tăng trưởng chưa hiệu quả, bất ổn vĩ mô dồn tích thực sự là những lực cản đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng và bức phá của nền kinh tế Việt Nam”, đại diện Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích.
 
Cũng theo đơn vị này, đi hết chặng đường năm 2016 và nửa đầu năm 2017 với kết quả chưa được như mong đợi. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt mức 6,21% chủ yếu do sự suy giảm đóng góp của các ngành như khai khoáng và nông nghiệp, trước việc giá dầu quốc tế giảm mạnh và thiên tai hạn hán trong nước. Năm 2017, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức lớn khi tăng trưởng quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2016. 
 
Cần quyết liệt đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động
 
Đưa ra những giải pháp để đặt tăng trưởng cao và bền vững giai đoạn tiếp theo, TS Trương Văn Phước cho rằng, cần quyết liệt thực hiện đổi mới tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng.
 
Theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động có trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.
 
Số liệu thống kê cho thấy, việc gia tăng đầu vào đóng góp khoảng 71% vào tăng trưởng. Vốn con người, công nghệ, hiệu quả quản lý của Nhà nước chỉ đóng góp khoảng 29%. Riêng khu vực Asean, năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào, chỉ còn hơn Myanma và Campuchia. Đây thực sự là tình trạng hết sức quan ngại về năng suất lao động của nền kinh tế.
 
Do đó, giai đoạn 2016 – 2020 cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất hướng đến tích lũy tri thức, công nghệ thay vì chỉ chú trọng quy mô tăng trưởng.
 
Đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém.
 
Theo TS Trương Văn Phước, vấn đề tái cơ cấu diễn ra chậm và chưa thực chất cũng là một trong những lực cản lớn của tăng trưởng kinh tế.
 
Phân tích của vị chuyên gia này cho thấy, hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số doanh nghiệp, nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí và phải dừng đầu tư.
 
Cuối cùng vị chuyên gia này cho rằng, cung ứng vốn từ một hệ thống tài chính hiện đại hóa cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tiếp tục vai trò đòn bảy hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc