Thị trường lao động Việt: Chất lượng chưa tương xứng với bằng cấp!

15:26, 28/06/2017
|

(VnMedia) - Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp Việt Nam cao nhất ở nhóm người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (8,1%); thấp nhất ở những người không có chuyên môn kỹ thuật (1,8%). Điều này, phản ánh trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn thấp, chất lượng đạo tạo chưa tương xứng với bằng cấp đạt được.

Thu nhập là thước đo phản ánh năng suất lao động

Đưa ra những thống kê về lực lượng lao động trong nước, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, năm 2016, lực lượng lao động cả nước là 54,4 triệu người, gồm 53,3 triệu người có việc làm và hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số Việt Nam rất cao, 77,3% vào năm 2016 và gần như không có sự thay đổi trong những năm vừa qua.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực nông thôn (nơi chủ yếu lao động làm nông nghiệp) cao hơn nhiều so với ở khu vực thành thị (80,9%).

Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, năm 2016, mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt gần 5,1 triệu đồng. Người lao động có bằng đại học trở lên có thu nhập cao nhất (7,4 triệu đồng/tháng); tiếp đến là lao động có bằng nghề (5,8 triệu đồng/tháng); lao động có bằng cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp có thu nhập thấp hơn (tương đương là 5,3 triệu và 5,2 triệu đồng/tháng); lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập thấp nhất (4,2 triệu đồng/tháng).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, mức thu nhập của người lao động làm công hưởng lương là một trong những thước đo phản ánh năng suất lao động của họ. Theo cách tiếp cận này, lao động có bằng đại học trở lên là nhóm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất, tiếp đến là lao động có bằng nghề.

Tuy vậy, theo ông Lưu Quang Tuấn, Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý là tuy thu nhập của lao động có bằng nghề không thấp và tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động này cũng thấp, nhưng các trường nghề lại không thu hút được nhiều người dân theo học nghề. Kết quả là đến năm 2016, số người có bằng nghề mới chiếm 5% tổng lực lượng lao động.

Hơn nữa, trong số lao động làm công hưởng lương năm 2016, tỷ lệ lao động không có hợp đồng bằng văn bản chiếm 42,2%. Như vậy, số lao động này dù là làm công hưởng lương nhưng việc làm của họ là việc làm phi chính thức và họ gần như không tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội. Hệ lụy là động lực làm việc và mức độ gắn bó của những lao động này với doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh cũng không thể lớn.

Mặt khác, cả nước có tới 1,5 triệu người làm chủ cơ sở sản xuất kinh doanh (chiếm 2,8% tổng lao động làm việc) năm 2016, nhưng lại chỉ có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp hoạt động cho thấy, số cơ sở sản xuất kinh doanh không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là rất lớn.

Trình độ phát triển kinh tế Việt Nam còn thấp

Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, năm 2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động . Trong đó, thanh niên thất nghiệp (từ 15 – 24 tuổi) chiếm 48,9%. Tỷ lệ thấp nghiệp trong độ tuổi không cao, chỉ là 2,3 năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn nhưng mức thất nghiệp thành thị cũng không lớn (3,2% so với 1,8%).

Theo độ tuổi, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là cao nhất. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 20 – 24 tuổi là 7,8% và nhóm 15 – 19 tuổi là 6,5%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước. Không chỉ vậy, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên không giảm trong những năm vừa qua.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (8,1%); thấp nhất ở những người không có chuyên môn kỹ thuật (1,8%). Điều này, một mặt phản ánh trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn thấp, chủ yếu vẫn sử dụng lao động không có chuyên môn kỹ thuật, mặt khác phản ánh chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường (nói cách khác là chất lượng không tương xứng với bằng cấp đạt được).

Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thất nghiệp do kỹ năng và năng lực không phù hợp với nhu cầu lao động là một lãng phí và thời gian thất nghiệp càng dài thì càng kìm hãm tăng trưởng. Năm 2016, năng suất lao động bình quân theo giá hiện hành đạt 84,5 triệu đồng/người (khoảng 3.853 USD/lao động). Nói cách khác, bình quân mỗi quý của năm 2016 mỗi lao động Việt Nam đã tạo ra 21,1 triệu đồng.

Như vậy, với người thất nghiệp 1 quý mới tìm được việc làm tức là đã làm cho GDP giảm đi so với kỳ vọng một khoản là 21,1 triệu đồng (trong năm 2016, số người thất nghiệp từ 3 tháng trở lên chiếm 38,3% trong tổng số hơn 1,1 triệu người thất nghiệp). Ngoài ra, dường như người có bằng cấp càng cao thì thời gian thất nghiệp càng dài, tức là giá trị GDP tiềm năng giảm đi càng nhiều.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc