Ngăn chặn tình trạng khuyến mãi ảo của các thương nhân

19:24, 27/06/2017
|

(VnMedia) – Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn công bố, hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP" do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng 27/6.

Ngăn chặn tình trạng khuyến mại ảo

Trình bày về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006/NĐ-CP, đại diện Tổ biên tập Dự thảo cho biết, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện tối đa trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhưng ngược lại, các hành vi lợi dụng khuyến mại để trục lợi, làm ăn bất chính sẽ bị loại bỏ.

Tại Điều 18, dự thảo Nghị định đã quy định việc đăng ký thực hiện khuyến mại, công bố kết quả và trao thưởng.

Cụ thể, trong trường hợp thực hiện chương trình khuyến mại theo các hình thức quy định hoặc các hình thức khác (ngoài các hình thức đã quy định), thời hạn công bố kết quả và trao giải thưởng của chương trình không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện khuyến mại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại, dự thảo cũng quy định, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mại theo hình thức quy định và các hình thức khác, thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nơi đăng ký và được xác nhận), về kết quả thực hiện chương trình khuyến mại.

Trong trường hợp phải trích 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng vào ngân sách Nhà nước, thương nhân phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Nghị định 37/2006/NĐ-CP với nội dung, thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn công bố, hoặc đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tại điều 20 của dự thảo Nghị định này cũng bổ sung, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có quyền đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động khuyến mại của thương nhân trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong một khoảng thời gian xác định, nếu phát hiện thương nhân có hành vi vi phạm.

Rượu, xổ số, thuốc lá… không được khuyến mại

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các quy định.

Cụ thể, hàng hóa được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, dịch vụ khám, chữa bệnh của Nhà nước, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và các hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, hàng hóa dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, thuốc kê đơn (trừ trường hợp thương mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và các hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Về hoạt động khuyến mại theo phương thức đa cấp, không được tổ chức khuyến mại theo mạng lưới đối tượng được hưởng khuyến mại gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó đối tượng được hưởng khuyến mại hưởng lợi ích từ hoạt động mua bán của người khác trong mạng lưới.

Quy định này không áp dụng với kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp.

Riêng đối với trường hợp bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố, dự thảo Nghị định cũng quy định, việc xác định trúng thưởng trong chương trình này phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng.

Trong trường hợp bằng chứng xác định trúng thưởng được phát hành kèm theo hàng hóa (gắn kèm, đính kèm, đặt bên trong hàng hóa hoặc các cách thức khác tương tự), thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc phát hành, kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa cho Sở Công Thương nơi thực hiện việc này.

Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước, trong trường hợp không có người trúng thưởng.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc