Mất bao lâu để máy bay của một hãng hàng không cất cánh?

16:36, 08/06/2017
|

Vietnam Airlines, Jetstar Pacific mất chưa tới một năm kể từ khi thành lập để cất cánh chuyến bay đầu tiên, trong khi đó Vietjet Air phải mất tới 4 năm cho quá trình này.

Hiện nay, tại Việt Nam có 3 hãng hàng không đang hoạt động kinh doanh vận tải hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific. Ngoài ra, Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu là đơn vị duy nhất khai thác kinh doanh loại hình thủy phi cơ tại Việt Nam. 

Theo quy định hiện hành, sau khi có quyết định thành lập, muốn cất cánh máy bay, một hãng hàng không phải chờ thủ tục quan trọng nhất chính là giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không từ Chính phủ.

Vietnam Airlines

Với Vietnam Airlines, hãng hàng không đang dẫn đầu thị phần bay nội địa hiện nay, lịch sử của hãng bắt đầu từ tháng 1/1956, khi Thủ tướng ký Nghị định thành lập Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

9 tháng sau đó, Vietnam Airlines cất cánh chuyến bay nội địa đầu tiên của mình với đội bay gồm 5 chiếc Iiyushin II-11, Antonov An-2, Aero Ae-45…

2 thập kỷ sau, đến năm 1976, Vietnam Airlines mới thực hiện chuyến bay đầu tiên ra quốc tế, tới Trung Quốc, tiếp theo là Viêng Chăn và Bangkok năm 1978.

VietJet Air

Trong khi đó, hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam hiện nay là VietJet Air lại mất tới 4 năm mới có thể đưa chiếc máy bay đầu tiên của mình lên bầu trời.

VietJet Air phải mất tới 4 năm mới có thể cất cánh chuyến bay đầu tiên. Ảnh: VJC.
VietJet Air phải mất tới 4 năm mới có thể cất cánh chuyến bay đầu tiên. Ảnh: VJC.

Cụ thể, VietJet Air được cấp phép hoạt động từ tháng 11/2007 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng và trở thành hãng hàng không thứ 4 của Việt Nam, chỉ một tháng sau hãng được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo kế hoạch ban đầu, VietJet Air sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng do biến động làm giá giầu tăng cao nên hãng đã phải hoãn lại và sẽ bắt đầu vào tháng 11/2009.

Tuy nhiên, đến tận tháng 6/2010, hãng này vẫn chưa thể cất cánh và phải tiếp tục hoãn thời gian cất cánh đến tháng 10 cùng năm. Lý do được hãng đưa ra là cần có thời gian để giải quyết một số vấn đề phát sinh liên quan đến chuyện mua bán cổ phần, xây dựng thương hiệu, nhân sự và đội bay...

Đây cũng là lần thứ 5 hãng thông báo lùi thời gian cất cánh. Nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân chính ngoài biến động về giá nhiên liệu, còn có sự tranh chấp về thương hiệu Viet Air. Đến tháng 12/2010, hãng một lần nữa xin hoãn thời điểm bay thêm một thời gian không xác định với lý do tranh chấp thương hiệu.

Cuối cùng đến tháng 12/2012, tròn 4 năm sau thời điểm nhận giấy phép kinh doanh, Vietjet Air mới phát hành đợt vé đầu tiên và thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài.

Jetstar Pacific

Jetstar Pacific được thành lập vào tháng 4/1991 gồm 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước với số vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Giống Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng chỉ mất chưa tới một năm để cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên của mình.

Cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific chỉ mất chưa tới một năm kể từ khi thành lập để cất cánh chuyến bay đầu tiên của mình. Ảnh: Hoàng Hà.
Cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific chỉ mất chưa tới một năm kể từ khi thành lập để cất cánh chuyến bay đầu tiên của mình. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, đến năm 1995, Jetstar Pacific đã được chuyển giao và trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và sau đó phần vốn được chuyển giao cho SCIC nắm giữ.

Năm 2007, tập đoàn Qantas của Úc đã ký kết Hợp đồng đầu tư với SCIC về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược của hãng. Đến tháng 5/2008, hãng này đã chính thức đổi tên và biểu tượng, từ Pacific Airlines trở thành hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines.

Đến cuối năm 2011, Jestar Pacific chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam. Đến tháng 2/2012, một lần nữa Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jestar Pacific khi tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần.

Air Mekong

Một hãng hàng không từng khai thác thị phần bay nội địa tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông - Air Mekong.

Theo đó, Air Mekong được thành lập vào năm 2009, và phải mất tới một năm sau, đến tháng 10/2010 hãng mới được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 9/10/2010.

Hãng này thuê 4 chiếc máy bay Bombardier CRJ 900 từ SkyWest Airlines. Năm 2011, Air Mekong thực hiện 10.750 chuyến bay và 710.000 lượt khách. Tuy nhiên, khó khăn tài chính do thua lỗ trong kinh doanh hãng đã phải ngừng bay từ tháng 2/2013 và đến đầu năm 2015 thì bị hủy bỏ giấy phép hoạt động.

Indochina Airlines

Đông Dương - Indochina Airlines là hãng hàng không thứ năm của Việt Nam, tính theo thời gian thành lập.

Hãng được thành lập từ tháng 5/2008 với Chủ tịch là ông Hà Hùng Dũng (hay nhạc sĩ Hà Dũng) với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau hãng được đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương.

Thời gian kể từ khi thành lập đến khi cất cánh chuyến bay đầu tiên của Indochina Airlines là 7 tháng. Cụ thể, ngày 25/11/2008, hãng thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên xuất phát từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài và Đà Nẵng.

Nhưng chỉ sau một năm hoạt động, hãng gặp nhiều khó khăn tài chính do kinh doanh thu lỗ và đã phải dừng bay từ năm 2009.

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc