Giá điện sẽ tăng với mức cao là tất yếu!

07:01, 18/06/2017
|
(VnMedia) – Tất cả các nghiên cứu hiện có tại Việt Nam đều nhận định rằng, sẽ không thực tế nếu kỳ vọng mức tăng giá điện tiếp tục ở mức thấp hoặc bằng mức lạm phát chung. Việc tăng giá điện ở mức cao sẽ là tất yếu.
 
Sẽ không thực tế nếu kỳ vọng giá điện tăng thấp
 
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017, Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng cho biết, kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam đã đưa ra lộ trình cải cách cần thực hiện để thu hút khoảng 7 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hàng năm từ các nhà đầu tư tư nhân.
 
Thông tin từ Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng, kế hoạch này tập trung vào tốc độ, tính rủi ro thấp và hiệu quả kinh tế khi sử dụng đầy đủ các nguồn năng lượng tái tạo, khí đốt tự nhiên và các công nghệ tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam, để đáp ứng các thách thức về tăng trưởng năng lượng không ngừng và một kế hoạch hành động phù hợp. Đồng thời, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía nam Việt Nam từ năm 2018 – 2030.
 
Theo Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng, các mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ cung cấp một loạt các công nghệ mới và liên kết dữ liệu, năng lượng và dịch vụ ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế và các ngành công nghiệp.
 
Phân tích của Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng cho thấy, với Quy hoạch phát triển điện linh hoạt hơn, Chính phủ Việt Nam sẽ tránh được sự phụ thuộc vào nhiên liệu than nhập khẩu với các rủi ro về việc đảm bảo nguồn cung, nhu cầu ngoại hối hàng chục tỷ đô la và rủi ro trong cán cân thanh toán.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam sẽ giúp thực hiện mục tiêu sử dụng điện hiệu quả hơn để giảm thiểu lãng phí năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, tăng năng suất và sức hút cho các công ty FDI.
 
Hơn nữa, kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam sẽ giúp làm giảm chi phí tài chính, hậu cần, và chi phí môi trường nặng nề trong việc vận chuyển than và xỉ than, giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
 
Bên cạnh những phân tích trên, Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng cũng đưa ra 3 cải cách then chốt Việt Nam cần làm để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
 
Đáng chú ý là việc cần ban hành lộ trình tăng giá điện  bán lẻ (theo giá thị trường). Theo đó, Bộ Công Thương cần ban hàng Lộ trình tăng giá điện bán lẻ đến năm 2020, tầm nhìn 2025, bao gồm định nghĩa về mức khác biệt giữa ba giá điện chính – tiêu dùng, thương mại và công nghiệp.
 
Theo phân tích của Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng, việc cung cấp thông tin về lộ trình tăng giá cho người tiêu dùng là cách hiệu quả nhất để khuyến khích đầu tư vào công nghiệp và quy trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
 
Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng cho biết, nhiều đơn vị tiêu dùng điện lớn tin rằng giá điện sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp và được trợ giá. Ví dụ như nhiều nhà máy xi măng không có hệ thống thu hồi nhiệt thải ở Việt Nam, trong khi việc này vốn là điều kiện tiêu chuẩn ở các nước khác.
 
“Tất các các nghiên cứu hiện có tại Việt Nam đều nhận định rằng, sẽ không thực tế nếu kỳ vọng mức tăng giá điện tiếp tục ở mức thấp hơn hoặc bằng mức lạm phát chung. Việc tăng giá điện với mức cao sẽ là tất yếu”, Tiểu nhóm Công tác điện & Năng lượng cho hay.
 
Cần ban hành lộ trình giá điện
 
Cũng liên quan đến giá điện và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng ngay lộ trình tương lai năng lượng theo hướng bền vững hơn để  có thể thu hút đầu tư.
 
Theo đó, cho phép áp dụng hợp động mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất điện và khách hàng tiêu thụ điện lớn vào năm 2017, thực tế này đã cho thấy hiệu quả lớn khi áp dụng ở các quốc gia tương tự.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tomaso Andreatta cho biết, các công ty như Apple, Nike, Coca Cola, Google và một số tập đoàn đa quốc gia khác đã công khai cam kết toàn cầu về việc sẽ hướng tới sử dụng điện năng từ các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng cao. Điều này sẽ thu hút thêm đầu tư và các thương hiệu toàn cầu, giúp Việt Nam tăng vị thế trong chuỗi giá trị sản xuất.
 
Theo kiến nghị của ông Tomaso Andreatta, Bộ Công Thương cần ban hành Lộ trình giá điện khi thực hiện đầy đủ cơ chế định giá theo thị trường vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, bao gồm xác định giá biến đổi  giữa ba nhóm biểu giá (sinh hoạt, thương mại và công nghiệp).
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc cung cấp các thông tin chi phí thực tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khách hàng và các nhà đầu tư có phương án đầu tư hiệu quả nhất đối với các thiết bị và quy trình hiệu suất cao.
 
“Đầu tư vào hiệu quả sử dụng năng lượng và cải tiến quy trình hiện nay không được thực hiện thường xuyên vì các doanh nghiệp và khách hàng nghĩ rằng, giá điện sẽ tiếp tục được Chính phủ trợ giá. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng yêu cầu phải có bảo lãnh của Chính phủ vì giá hiện nay không phản ánh toàn bộ chi phí sản xuất”, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc