Chủ tịch Quốc hội: Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

06:30, 27/05/2017
|

(VnMedia) - Thảo luận tại tổ chiều 26/5 về nội dung dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nợ xấu trong hoạt động tín dụng là việc không tránh khỏi. Tuy nhiên, nợ xấu phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay mới là bình thường, còn nếu đến mức 10,8% như hiện nay là “chuyện không bình thường”.

“Thực ra nội bảng của chúng ta dưới 3%, nhưng treo ở Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì nhiều. Cho nên, cần phải ra nghị quyết của Quốc hội, cho áp dụng trong một thời điểm nhất định”, bà Ngân nói.

Người đứng đầu Quốc hội cũng khẳng định, Nghị quyết này ban hành không phải để hợp thức hóa cho các tổ chức vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu và cũng không chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng mà còn đảm bảo lợi ích của người gưi tiền; không chỉ áp dụng với ngân hàng Việt Nam mà còn cả với các chi nhánh của ngân hàng nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng là “không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Thảo luận tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần phải làm rõ lý do những khoản nợ xấu dù được  VAMC  giải quyết nhưng không được.

“Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có quy định pháp luật bảo vệ nhưng vì sao họ không thu hồi được tài sản thế chấp dù có hành lang pháp lý tương đối ổn bảo vệ họ? Nếu không làm rõ mà Quốc hội thông qua Nghị quyết thì tôi không tin giải quyết được?” – Bà Tâm cảnh báo.

Đại biểu Tâm cũng e ngại, thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm. “Ví dụ như một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỉ đồng, thậm chí cả chục tỉ đồng. Nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót” – Bà Tâm nêu ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội, nhằm tạo niềm tin của dân với Quốc hội.

Đồng tình với việc bổ sung nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu để không xảy ra tình trạng ôm nợ xấu rồi lại thế chấp vay ngân hàng khác.

Cũng tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tại Việt Nam, dư nợ ước 122% GDP - gấp 2-3 lần các nước ASEAN. Gánh nặng của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn.

Để giải quyết nợ xấu, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia, bởi nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.

Còn đại biểu Phạm Phú Quốc thì nêu quan điểm: “Với Nghị quyết này, chúng ta đang giải quyết một cục nợ xấu hiện tại chứ không kỳ vọng đến việc có thể xử lý được nhiều mục đích".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, nên dùng nợ và tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu. “Nói không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước vẫn tốn kém và cả thiệt hại nhiều trong việc xử lý vì cả bộ máy phải tham gia", ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt câu hỏi: “Có đúng nợ xấu hơn 10% hay không, có thực chất hay không? khi nghị quyết này ban hành thì số nợ có tăng hay không? Lâu nay chúng ta thực chất là vẫn giấu nhau. Qua các kỳ họp đều thấy đều báo con số rất đẹp, dưới 3%. Thực tế chưa minh bạch”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc