Báo điện tử VnMedia - Tin nóng Việt Nam và thế giới
.

(VnMedia) - Cách đây 73 năm, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc. Nghị quyết nêu rõ: “Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Với ý nghĩa trọng đại đó, ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử phát triển của Ngành Bưu điện như một ngày khai sinh và đã được Nhà nước cho phép lấy là ngày truyền thống của Ngành.

Từ ban Giao thông chuyên môn đến Ngành Thông tin và Truyền thông

Kể từ đó đến nay, Ngành Bưu điện đã mở rộng quản lý sang nhiều lĩnh vực khác như phát thanh, truyền hình, viễn thông, CNTT, báo chí… và hiện đã được đổi tên thành Ngành Thông tin và truyền thông. 

Lịch sử hình thành và phát triển Ngành Bưu điện

Lịch sử hình thành và phát triển Ngành Bưu điện

Trong 73 năm hình thành và phát triển, Ngành Thông tin và Truyền thông đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng, đặc biệt là sau quá trình đổi mới. Năm 1993, mạng MobiFone chính thức đi vào hoạt động, cung cấp dịch vụ di động 2G GSM tới người dùng cả nước, mở ra kỷ nguyên liên lạc mới hiện đại hơn, tiện lợi hơn so với điện thoại cố định.

Năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet. Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại Châu Á.

Năm 2008, Vệ tinh Vinasat1 do Tập đoàn VNPT đầu tư đã được phóng thành công lên vũ trụ, khẳng định vững chắc chủ quyền trên không gian của Việt Nam. Tiếp đó năm 2012 tập đoàn này tiếp tục phóng vệ tinh Vinasat2 lên quỹ đạo để bổ sung năng lực truyền dẫn vệ tinh.

Năm 2009, Dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) chính thức được cung cấp tại Việt Nam. VinaPhone đi đầu khai trương dịch vụ vào tháng 10/2009 và sau đó vài tháng, MobiFone, Viettel cũng chính thức cung cấp dịch vụ tới người dân cả nước. Người dân chính thức được sử dụng internet băng rộng di động theo đúng nghĩa.

Năm 2015: Bắt đầu thực hiện Số hóa truyền hình mặt đất để chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Hiện đại hóa lĩnh vực truyền hình quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Năm 2016, Bộ TT&TT chính thức cấp phép 4G trên băng tần 1.800 MHz cho các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel. Năm 2017, mạng 4G được đồng loạt triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam, đưa tốc độ truy nhập internet di động của Việt Nam tăng lên đáng kể. 

Năm 2017, Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi thành công mã vùng điện thoại cố định trên cả nước về một đầu số duy nhất - 02, dành các các đầu số khác cho các dịch vụ mới. Đây là bước đầu tiên trong quá trình quy hoạch lại tài nguyên kho số viễn thông. Tháng 9 tới đây, các nhà mạng sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch lại các đầu số di động 11 số.

Tiên phong trên con đường Đổi mới

Đất nước thống nhất, cùng với cả nước, ngành Bưu điện lại bắt tay vào tái thiết mạng lưới thông tin liên lạc đã nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, cơ sở vật chất hết sức manh mún và lạc hậu. Bước vào giai đoạn Đổi mới, xuất phát điểm của ngành Bưu điện bắt đầu ở mức "đáy", mật độ điện thoại chỉ đạt 0,15 máy/100 dân và chỉ khoảng 7- 8% số xã có điện thoại.

Đứng trước yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp CNHHĐH đất nước trong công cuộc Đổi mới, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Bưu điện hết sức nặng nề: Phải làm sao phát triển hiện đại hoá nhanh chóng, đi trước một bước, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng-Nhà nước, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế kỹ thuật khác phát triển; Mặt khác thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng kinh tế đối ngoại, đưa Việt nam hội nhập với khu vực và thế giới. 

Ngành Bưu điện đã trở thành Ngành tiên phong thực hiện đường lối Đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”. Giai đoạn 1993 - 2000, Ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa”, mạng lưới viễn thông được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mới được cung cấp, mở rộng vùng phục vụ, bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp mới, chuẩn bị cho mở cửa thị trường. Giai đoạn 2001 - 2010, chiến lược của Ngành là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2010 tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại cố định đạt mức trung bình trong khu vực (khoảng 6,4 máy cố định/100 dân).

Tuy nhiên, chỉ tới năm 2005 với nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - nhà cung cấp dịch vụ cố định chiếm tới hơn 90% thị phần thuê bao lúc đó, mật độ điện thoại trên toàn quốc đã đạt 16 máy/100 dân, vượt 2,5 lần chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đặt ra và bằng gần 90 lần so với thời kỳ trước đổi mới.

Cho tới nay, có thể nói Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng-Nhà nước và tạo hạ tầng cho các lĩnh vực kinh tế xã hội khác phát triển. Sau điện thoại cố định, các mạng di động thế hệ 2G, 3G và hiện là 4G đã phủ sóng cả nước. Từ chỗ cả chục nhà mới có một chiếc điện thoại cố định để liên lạc, đến nay gần như ai cũng sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, trong đó tỷ lệ người dùng smartphone khá cao.

Theo số liệu của bộ TT&TT, tính tới cuối năm 2017, tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 116 thuê bao/100 dân, tức là số lượng thuê bao di động còn nhiều hơn tổng dân số cả nước. Di động đã trở thành phương thức liên lạc phổ biến, điện thoại di động trở thành một vật bất ly thân trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ ở các khu vực thành thị, đông dân cư, điện thoại di động đã được phổ cập tới cả những bản làng xa xôi, địa hình hiểm trở.

Cùng với mạng lưới bưu chính rộng khắp, hệ thống hạ tầng thông tin truyền dẫn của Việt Nam đã được đầu tư đầy đủ, hiện đại, từ mạng cáp quang băng rộng, mạng thông tin di động 2G/3G/4G tới hệ thống vệ tinh phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực... Internet di động tốc độ cao đã được phủ sóng rộng khắp với giá cước dịch vụ thuộc hàng rẻ nhất trong khu vực, thậm chí là trên thế giới. Wifi có mặt ở mọi nơi, từ quán café tới quán nước vỉa hè, từ những khu vực trung tâm tới cả những nơi địa đầu tổ quốc.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính tới cuối năm 2017, khoảng 55% dân số cả nước đang sử dụng internet (tương đương với khoảng 53 triệu người). Còn theo số liệu thống kê từ Internetworldstats - một website chuyên thống kê lượng người dùng Internet của các quốc gia trên toàn thế giới, thì con số này lớn hơn nhiều. Tính tới hết ngày 30/6/2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, tương ứng với 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam được xếp vị trí thứ 12 trong số các quốc gia có lượng người dùng Internet cao nhất thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Trong lĩnh vực truyền hình, hiện Ngành đã xây dựng được một hệ thống đài phát thanh truyền hình trung ương và tất cả các địa phương trên cả nước để đảm bảo quảng bá thông tin tới tất cả người dân. Bắt kịp sự phát triển của công nghệ và xu hướng thế giới, năm 2015 Ngành đã bắt tay vào thực hiện Số hóa truyền hình mặt đất để chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Việc chuyển đổi này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân mà còn giải phóng tài nguyên băng tần quý giá để sử dụng cho các lĩnh vực khác.

Tuy bắt đầu sau nhiều quốc gia song với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, Việt Nam lại vượt qua nhiều quốc gia khác và có thể sẽ về đích sớm. Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 34 tỉnh, thành phố với tổng dân số chiếm gần 70% của cả nước hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Những tỉnh thành còn lại sẽ hoàn thành nốt từ nay tới năm 2020.

Công nghệ thông tin có thể coi là lĩnh vực mới nhất, có tuổi đời trẻ nhất trong Ngành Thông tin và Truyền thông, nhưng lại đang là động lực phát triển chính của Ngành. Luật Công nghệ thông tin đã nhanh chóng được nghiên cứu và được Quốc hội thông qua vào năm 2006, mở đường cho lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện đang có hàng trăm doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. CNTT đang có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các lĩnh vực tạo nên làn sóng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp tư nhân. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT năm 2017 đóng góp tới 80% doanh thu toàn Ngành.

Với những thành tích đạt được, Ngành vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Tiếp tục vai trò tiên phong trong CMCN 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hay còn gọi là cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Gắn liền với những đột phá về công nghệ như IoT, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ vật liệu tiên tiến, in 3D…, CMCN 4.0 đang làm thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người. Tương lai về robot phẫu thuật, xe tự lái, y tế từ xa… không còn là điều viễn tưởng.

Hiện CMCN 4.0 đang biểu hiện rõ nét tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một số quốc gia phát triển tại châu Á. Với Việt Nam, CMCN 4.0 được Chính phủ cho là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu để bứt phá thành công, tránh tụt hậu. Chính vì vậy, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 để Việt Nam có thể tận dụng những lợi ích của cuộc cách mạng này.

Như đã nói, CMCN 4.0 đi liền với hàng loạt công nghệ hiện đại mới và tất cả những công nghệ đó muốn phát huy tác dụng thì đều phải dựa trên một hạ tầng kết nối cùng những giải pháp, ứng dụng CNTT đi kèm. Do đó, có thể thấy Ngành TT&TT với vai trò quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông - CNTT chính là Ngành phải tiên phong đi đầu trong cuộc cách mạng này tại Việt Nam. Vì vậy, giải pháp đầu tiên được đưa ra để Việt Nam bắt kịp CMCN 4.0 trong chỉ thị 16 chính là “tập trung phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT-TT. Phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng”.

Để thực hiện trọng trách đó, ngay từ cuối năm 2016, Bộ TT&TT đã có nghiên cứu về xu thế của cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh việc đóng góp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và thực thi các Luật, Nghị định trong lĩnh vực TT&TT, các quy hoạch phát triển Ngành..., Ngành TT&TT cũng đã chú trọng triển khai các nghiên cứu mang tính đón đầu công nghệ mới nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp và kịp thời cũng như các vấn đề về công nghệ mới như: công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo, blockchain…

Bộ TT&TT đã tổ chức nghiên cứu, định hướng thích ứng với cách mạng 4.0 ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Theo đó, Bộ TT&TT đã đặt hàng và chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu về đô thị thông minh, an toàn thông tin, công nghệ ICT mới, xu hướng tiếp cận công nghệ trong cách mạng 4.0… Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ tuyên truyền về CMCN 4.0 và xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.

Về nhiệm vụ phát triển hạ tầng kết nối, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, trong thời gian qua, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G. Hiện nay, mạng 4G đã cơ bản phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam. 4G chính là nền tảng cho 5G và cũng là sự khởi đầu hoàn hảo để tạo thành xương sống kết nối hạ tầng giúp Việt Nam đi nhanh hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các doanh nghiệp trụ cột trong Ngành như VNPT, Viettel, FPT… cũng đã nghiên cứu và xây dựng các giải pháp CNTT. Ví dụ như nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP) của VNPT đã vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi trong Ngành công nghệ trong khu vực như: M800 Limited - Hồng Kông, Telkom - Indonesia, MATRIXX Software - Hoa Kỳ,  Ooredoo - Myanmar… để đoạt giải Vàng Stevie Award Châu Á - Thái Bình Dương 2018 trong hạng mục Đổi mới sáng tạo trong Phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực Công nghiệp viễn thông. Đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh … cũng đang được thử nghiệm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trong 73 năm qua, Ngành Bưu điện đã và đang nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và phát triển, quyết tâm thực hiện thành công chiến lược tăng tốc “đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và bắt kịp cuộc CMCN 4.0. 

Bùi Hà, Hoàng Vũ, Ngọc Hoa 


Ý kiến bạn đọc