Báo điện tử VnMedia - Tin nóng Việt Nam và thế giới
.

(VnMedia) - Chính thức triển khai từ tháng 11 năm 2014, tới nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành; xử lý 1,34 triệu hồ sơ của 22,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Khái niệm về Cơ chế một cửa quốc gia xuất hiện từ năm 2005 khi Việt Nam ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN vào ngày 09/12/2005 tại Malaysia, và sau đó là ký kết Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN tại Campuchia năm 2006. Tuy nhiên, đến khi Luật Hải quan 2014 được ban hành, các khái niệm về Cơ chế một cửa quốc gia mới được chính thức nội luật hóa.

Theo quy định tại Điều 4, Luật Hải quan năm 2014, Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

 

Như vậy, Cơ chế một cửa quốc gia cho phép người khai hải quan gửi tất cả các dữ liệu cần thiết để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa ở định dạng chuẩn duy nhất một lần lên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát hàng hóa, người và phương tiện ra/vào Việt Nam tại biên giới như cơ quan hải quan, cơ quan kiểm dịch, cơ quan cấp phép xuất nhập khẩu hàng hóa…. sẽ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để tiếp nhận, phản hồi các thông tin khai báo của người khai hải quan, tránh việc người khai hải quan phải nộp cùng một nội dung khai báo cho nhiều cơ quan khác nhau.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại, khi thực hiện thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có giấy phép trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp thực hiện theo quy trình gồm các bước:

- Bước 1: Doanh nghiệp gửi đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép dưới dạng điện tử đến cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 2: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép đến hệ thống cấp phép của các Bộ, ngành.

- Bước 3: Các Bộ, ngành xử lý hồ sơ xin cấp phép và chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 4: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về cho doanh nghiệp đồng thời gửi tới hệ thống của hải quan.

- Bước 5: Hải quan xử lý hồ sơ hải quan, đối chiếu thông tin giấy phép điện tử nhận được từ các Bộ, ngành (nếu cần), quyết định kết quả thông quan và trả kết quả về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 6: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia trả kết quả thông quan về cho doanh nghiệp và gửi kết quả đến hệ thống của các Bộ, ngành để tham khảo.

 Như vậy, người dân và doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính để thông quan hàng hóa mà có thể thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để gửi thông tin khai báo. Hệ thống sẽ tự động xử lý, trả kết quả cho doanh nghiệp, đồng thời gửi thông báo cho cơ quan Hải quan. 

Đinh Bách (đồ họa: Thủy Tiên)


Ý kiến bạn đọc