VNPT chuyển chiến lược sang cung cấp dịch vụ CNTT

10:37, 15/07/2015
|
Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, nếu như trước đây VNPT chỉ cung cấp các dịch vụ viễn thông thì hiện Tập đoàn đã chuyển hướng chiến lược sang cung cấp dịch vụ CNTT.

 
VNPT giới thiệu các dịch vụ CNTT cho đối tác nước ngoài. 


Ông Tô Mạnh Cường cho biết, với việc thay đổi chiến lược nhắm đến cung cấp các dịch vụ CNTT nên VNPT đã triển khai ký hợp tác với khoảng 40 tỉnh và nhiều bộ ngành để ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điên tử.

Việc tiến vào thị trường CNTT của VNPT cũng thuận lợi sau khi Chính phủ cho phép thuê dịch vụ CNTT. Nếu trước đây, các địa phương, các ngành phải mất thời gian làm dự án đầu tư phần cứng và phần mềm hệ thống CNTT, có khi mất cả năm trời mà vẫn không đồng bộ nên không hiệu quả. Thế nhưng, với việc thuê dịch vụ CNTT, VNPT sẽ phục vụ các địa phương, các ngành một cách đồng bộ. Điều này giúp các bộ ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT rất nhanh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho hay, mục tiêu của VNPT sẽ phải chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT để phục vụ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả khối Chính phủ.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, ngoài việc dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT, VNPT đặt mục tiêu là phải làm chủ được công nghệ sản xuất thiết bị đầu cuối. Hiện nay, khối công nghiệp của VNPT chủ yếu sản xuất cáp. Nếu VNPT muốn cung cấp giải pháp cho khách hàng thì phải làm chủ công nghệ. Vì vậy, VNPT Technology có nhiệm vụ sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn và đóng vai trò nòng cốt của khối công nghiệp. VNPT Technology hiện có dây chuyền sản xuất và được giao sản xuất các thiết bị đầu cuối. VNPT cũng đặt mục tiêu sản xuất các thiết bị đầu cuối như smartphone, đầu cuối cáp quang, đầu cuối thiết bị cho MyTV…

“Chúng tôi phấn đấu là trong năm 2015, 100% thiết bị đầu cuối trên mạng VNPT là do VNPT tự sản xuất. Hiện nay chúng tôi đã sản xuất các thiết bị đầu cuối như modem Internet băng rộng, đầu cuối của MyTV, đầu cuối Wi-Fi. Những sản phẩm này có nhiều ưu điểm như thông minh hơn, đa dịch vụ hơn mà trên thị trường chưa đáp ứng được và phải là nhà khai thác lâu năm có kinh nghiệm mới phát triển được. Năm 2015 sẽ tự chủ hoàn toàn, đặt mục tiêu là VNPT không phải nhập nước ngoài những sản phẩm đó nữa”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thì cho rằng VNPT phải tổ chức lại để làm sao thực sự làm chủ thiết bị công nghệ cung cấp cho chính VNPT, cũng như cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. VNPT Technologies phải làm sao trở thành tổ hợp công nghiệp CNTT để sắp tới trở thành Tổng Công ty công nghiệp CNTT trong tương lai.

Hiện tại Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang thành nhà cung cấp dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT. Theo Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, xu thế mọi người bắt đầu rời bỏ PC, đưa ứng dụng CNTT trên nền tảng di động (smartphone, tablet) đã phổ biến. Rất nhiều doanh nhân bắt đầu điều hành chủ yếu bằng “văn phòng di động” trên smartphone, tablet... Vì vậy, Viettel phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hướng dịch chuyển này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Viettel sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kết hợp “3 trong 1”: CNTT, viễn thông và thiết bị thông minh (smart device). Ví dụ: công tơ điện là một device, Viettel gắn vào đó một SIM 3G, sau đó dữ liệu được đưa về máy tính để xử lý, với việc tích hợp này, Viettel sẽ xác định mức tiêu thụ, công suất, điện áp, thu tiền điện giống như với điện thoại di động. Viettel sẽ biến CNTT không phải là sản phẩm mà thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông.
Ictnews.vn

Ý kiến bạn đọc