- Trưng bày Quốc Tử Giám - Trường quốc học đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của trường Quốc Tử Giám xưa qua các triều đại. Nội dung trưng bày có phần giới thiệu tới công chúng các vị học quan của Quốc Tử Giám.
Qua các tài liệu, hiện vật trưng bày cho thấy trong suốt hơn 700 năm hoạt động kể từ Lý, Trần cho đến hết thời Hậu Lê, Quốc Tử Giám luôn thực hiện theo mục tiêu đào tạo ra những bậc trí sĩ vừa có đức vừa có tài phục vụ cho đất nước. Đảm trách công việc trông coi giảng dạy, học tập tại Quốc Tử Giám là những học quan đạo cao đức trọng.
Thời Lý, khi mới thành lập Quốc Tử Giám năm 1076, chưa thấy trong chính sử ghi chép về học quan đứng đầu ngôi trường quan trọng này.
Thời Trần, năm Thiên Ứng Chính Bình 4 (1235) đời Trần Thái Tông “lấy Phạm Ứng Thần làm Thượng thư, tri Quốc Tử Viện Đề điệu”. Như vậy Đề điệu là chức quan đầu tiên của Quốc Tử Giám được sử sách chép lại. Năm Nguyên Phong 3 đời Trần Thái Tông (1253) “Tháng 9, xuống chiếu cho học giả trong nước vào Quốc tử viện giảng Ngũ Kinh, Tứ thư”. Đến đây, học quan giảng dạy tại Quốc Tử Giám đều là những người có học vấn cao, thông hiểu kinh sách. Năm 1272, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu: “Tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”. Như vậy, có thể thấy đến năm 1272 học quan đứng đầu Quốc Tử Giám là Tư nghiệp, là “người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh sách”. Dưới thời Trần còn có chức Quốc Tử Giám Trợ giáo (như Đoàn Xuân Lôi là Trợ giáo đời Trần Thuận Tông, đời Lê có Nguyễn Siêu làm Trợ giáo năm 1449.
Trong 7 năm (1400-1407) của triều Hồ, đứng đầu Quốc Tử Giám vẫn là quan Tư nghiệp. Nguyễn Phi Khanh người xã Nhị Khê Phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Nam thượng đã từng đảm nhiệm chức này trong dưới triều Hồ.
Trong suốt thời gian 14 năm thuộc Minh, Quốc Tử Giám vẫn tồn tại và hoạt động nhưng không được ghi chép trong sử sách.
Từ thời Lê sơ, triều đình tuyển chọn một đội ngũ học quan đông đảo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434) Lê Thái Tông bắt đầu đặt chức quan Tế tửu đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những người được bổ nhiệm chức Tế tửu đều là những nhà khoa bảng. Sau Tế tửu là Tư nghiệp và đội ngũ Học quan gồm Giáo thụ, Trợ giáo. Năm 1467 bắt đầu đặt Ngũ Kinh Bác sĩ, mỗi người chuyên nghiên cứu một kinh để dạy học trò. Tất cả họ đều là các nhà Nho tài cao đức trọng, các quan đại thần, như: Tế tửu Quốc Tử Giám có: Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ...; Tư nghiệp Quốc Tử Giám có Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên,Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính…; Giáo thụ Nguyễn Thiên Túng; Trực giảng Doãn Tử Bình, Nguyễn Cư Lạc; Quốc Tử Giám Bác sĩ Phan Phu Tiên l (1435) ...
Thời Mạc, chức học quan Quốc Tử Giám vẫn theo nếp cũ của nhà Lê sơ. Thời kỳ này có thể kể đến các vị Tế tửu như: Nguyễn Doãn Địch, người quê ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Hoàng giáp khoa thi năm 1529, đời Mạc Đăng Dung; Tư nghiệp Nguyễn Hùng Đoán, người xã Cổ Lãm huyện Lang Tài (Bắc Ninh), Tiến sĩ khoa thi năm 1556 đời Mạc Phúc Nguyên...
Từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính
Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ
chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng
trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm. Các vị tế tửu, tư nghiệp tiêu biểu thời kỳ này như Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan, Công bộ Thượng thư Trương Công Giai, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, Công bộ Thượng thư Nguyễn Nghiễm... Tế tửu, tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những cây đại thụ trong nền văn hóa,nước nhà.
Các vị học quan Quốc Tử Giám là những tấm gương về trí tuệ, tài năng, mẫu mực về đạo đức, tinh thần rèn luyện, cống hiến đóng góp lớn lao cho nền giáo dục nước nhà.
P.V