- Qua các tư liệu trưng bày có thể thấy Quốc Tử Giám dưới triều Trần (1226-1400) được sửa sang và lấy tên là Quốc học viện.
Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm 1076, trải qua các triều đại không ngừng được mở rộng và phát triển trở thành trung tâm đào tạo nhân tài bậc nhất của nước ta dưới thời quân chủ. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Quốc Tử Giám xưa không còn nữa. Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin về ngôi trường được mệnh danh là trường Đại học đầu tiên của nước ta, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường quốc học đầu tiên” tại dãy nhà Đông Vu của khu Đại Thành, Văn Miếu. Trưng bày giúp chúng ta tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của Quốc Tử Giám và nền giáo dục khoa cử qua các triều đại, trong đó có giai đoạn Quốc Tử Giám dưới triều Trần thế kỷ 13-15.
Qua các tư liệu trưng bày có thể thấy Quốc Tử Giám dưới triều Trần (1226-1400) được sửa sang và lấy tên là Quốc học viện. Nhà Trần tuyển chọn các học quan đưa vào Quốc Tử Giám để giảng dạy. Giám sinh được tuyển chọn mở rộng trên khắp các địa phương trong nước.
Một phần trưng bày Quốc Tử Giám dưới triều Trần (1226-1400) tại Trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên”. |
Năm 1247, nhà Trần bắt đầu đặt danh hiệu Tam khôi để chỉ 3 người xuất sắc nhất trong số những người thi đỗ, theo thứ bậc cao thấp là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Danh hiệu Trạng nguyên bắt đầu từ khoa thi này, Nguyễn Hiền trở thành vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Trần, ông đỗ khi mới 13 tuổi. Năm 1374, học vị Tiến sĩ được thay thế cho “Thái học sinh”.
Những tư liệu lịch sử cho thấy nhà Trần rất coi trọng Quốc Tử Giám và phát triển giáo dục: năm 1243 trùng tu Quốc Tử Giám, năm 1272, tuyển học quan dạy học tại Quốc Tử Giám. (Ảnh: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư", in trên giấy Dó, hiện vật tại phòng Trưng bày). |
Đặc biệt dưới triều vua Trần Thái Tông (1225-1258) đặt ra lệ một khoa thi lấy 2 Trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên. Sĩ tử ở các miền kinh trấn gọi là “Kinh”, sĩ tử ở vùng Thanh Hóa – Nghệ An gọi là “Trại”. Khoa thi năm 1256 ban đỗ Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên; Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên. Đến năm 1266 ban đỗ Kinh Trạng nguyên Trần Cố, Trại trạng nguyên Bạch Liêu. Đây là hai khoa thi duy nhất lấy 2 Trạng nguyên trong lịch sử khoa cử Nho học nước ta.
Lệ tuyển chọn học trò học tại Quốc Tử Giám dưới triều Trần, ngoài con em quan lại, trường Giám còn mở rộng tuyển chọn cả những học sinh ưu tú ở các địa phương. |
Năm 1370, vua Trần Nghệ Tông đã đưa bài vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An vào thờ tự tại Văn Miếu. Chu Văn An là người thầy giáo đạo cao đức trọng của dân tộc Việt Nam. Ông được nhà Trần bổ nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và trở thành thầy dạy của 2 thái Tử nhà Trần. Ông có nhiều đóng góp cho việc đào tạo nhân tài của đất nước.
Dưới sự quan tâm bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích học tập của triều đình, nhà Trần đã xuất hiện những danh nhân tiêu biết được sử sách ngợi ca, như: Lê Văn Hưu (1230-1322), Nguyễn Hiền (1234-?), Chu Văn An (1292-1370), Phạm Sư Mạnh (1300- 1377), Lê Quát…
Để tìm hiểu rõ hơn về sự phát triển của Quốc Tử Giám và nền giáo giáo dục khoa cử thời Trần mời các bạn đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan trưng bày nhé! Trưng bày mở cửa miễn phí vào tất cả các ngày trong tuần.
P.V