- Nhằm hưởng ứng Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hanoi 2024 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-14/4/2024, ngày 12/4/2024 Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức đoàn khảo sát, trải nghiệm và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Mỹ Đức với chủ đề “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”. Chương trình thu hút sự tham gia của các công ty lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí.
Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác các điểm đến di tích lịch sử và làng nghề, trong đó có đình Nội thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai); làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Làng nghề dệt Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Đình Nội thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1985. Ngôi đình này là có bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Bức phù điêu đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.
Trong hành trình khám phá con đường di sản Nam Thăng Long còn có những làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm tuổi như làng nghề tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa với 6/6 thôn đều được công nhận là làng nghề. Tăm hương Quảng Phú Cầu không chỉ nổi tiếng về nhu cầu tâm linh của thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu đi một số quốc gia khác, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Quảng Phú Cầu hiện là điểm đến thu hút rất đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Còn tại làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen và trải nghiệm làm ra các sản phẩm tơ sen độc đáo.
Ảnh minh họa |
Tuyến du lịch này được Sở Du lịch Hà Nội xây dựng và đưa vào khai thác nhằm tạo tiền đề cho các doanh nghiệp lữ hành cùng nhau khai thác để từ đó tiếp tục kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khác hình thành thêm nhiều tour, tuyến mới có sức hấp dẫn hơn.
Các tuyến du lịch này được đưa vào khai thác thể hiện quyết tâm của Sở Du lịch Hà Nội trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy các di sản, di tích, làng nghề của Thủ đô.
Theo chương trình của Sở Du lịch, chiều cùng ngày đoàn khảo sát sẽ tham gia chương trình tọa đàm “Giải pháp phát triển tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức nhằm kết nối các điểm di tích, di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội”.