- Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam; chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2024.
Bộ Công an cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi; mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 06 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.
Ảnh minh họa |
Trước đó, từ 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên 90 ngày; đồng thời nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được đơn phương miễn thị thực vào Việt Nam.
Có thể nói, chính sách thị thực luôn là một công cụ sắc bén để các quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch, thu hút khách quốc tế. Với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự chủ động đề xuất từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành, thời gian qua, chính sách thị thực của Việt Nam đã có sự đổi mới tích cực, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến tham quan, du lịch ở Việt Nam.
Hiệu quả đạt được thể hiện rõ qua sự gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023, góp phần đạt kết quả đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm, tăng gần 3,5 lần so với năm 2022. Tháng 01/2024, Việt Nam đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế - tương đương mức cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch Covid-19.
Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngay trong thời gian đầu năm 2024 với những chỉ đạo quyết liệt về các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, trong đó có chính sách về thị thực, ngành du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.
P.V