- Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu khẩn trương có biện pháp bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long.
Theo Hồ sơ Thuyết minh lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án Khu đô thị 10B được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 29/10/2021 với tổng diện tích 31,82ha, có 12,19% diện tích nằm trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Hiện trạng khu vực thực hiện dự án bao gồm đất bằng ven núi, đất mặt nước, đất bờ đầm, bờ thửa, đất đồi núi, đất taluy, phần lớn là đất bãi triều ngập mặn, không có dân cư, không có công trình kiến trúc Quốc gia và di tích lịch sử, an ninh quốc phòng, không có đất dành cho du lịch. Khu vực đề xuất thực hiện Dự án nằm ở hạ lưu suối Lộ Phong, giáp ranh với thành phố Hạ Long, thường xuyên bị ứ đọng bùn đất khi mưa bão, gây mất mỹ quan khu vực giáp ranh Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long.
Việc triển khai Dự án góp phần bảo đảm nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, tạo cảnh quan cây xanh cho môi trường đô thị, nhằm kéo giãn lượng khách du lịch hiện nay đang tập trung chủ yếu trong vùng lõi Vịnh Hạ Long, các khu vực Tuần Châu, Bãi Cháy. UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác hợp pháp, hợp lệ của các thông tin, số liệu cung cấp tại Hồ sơ Dự án Khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Hiện trạng việc thi công của dự án khu đô thị tại khu 10B. Ảnh: Tiền Phong |
Để giảm thiểu tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo cơ quan liên quan và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phần căn cứ pháp lý: đề nghị bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa (Luật di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các quy chế, quy định của tỉnh Quảng Ninh về bảo vệ Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long), Công ước Di sản Thế giới, Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới.
Việc thực hiện dự án cần rà soát và bảo đảm tuân thủ quy định về: quy hoạch, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, di sản, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa-thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp với hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai Dự án: đề nghị tổ chức lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần bám sát quy định về đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) (Thông tin chi tiết xin tìm hiểu cụ thể tại website của IUCN sau:
https://cmsdata.iucn.org/downloads/iucn_advice_note_environmental_assessment_18_11_13_iucn_template.pdf; bổ sung đánh giá hiện trạng du lịch tại khu vực thực hiện dự án, từ đó đánh giá tác động của dự án đến hoạt động du lịch đảm bảo phù hợp với Quy hoạch vào Thuyết minh dự án làm cơ sở triển khai thực hiện.
Giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng, trong quá trình triển khai Dự án thường xuyên giám sát, kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tránh tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long.
Những vấn đề liên quan tới an ninh, quốc phòng, môi trường và những vấn đề liên quan khác cần có ý kiến của cơ quan thẩm quyền theo quy định.
Thứ hai, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất tại Thái Lan (năm 1994) với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan và công nhận lần thứ hai tại Hội nghị lần thứ 24 họp tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia (năm 2000) với tiêu chí về giá trị địa chất, có diện tích, ranh giới vùng đệm chạy dài theo đường bờ biển từ thành phố Hạ Long tới Cẩm Phả. Để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản, đảm bảo thực hiện tối đa những lưu ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với tuyến đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao cơ quan chuyên môn khẩn trương lập quy hoạch Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo quy định của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và pháp luật khác có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, xây dựng quy chế bảo vệ Vịnh Hạ Long, trong đó có nội dung phối hợp cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, phê duyệt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Đề nghị rà soát và thống nhất số liệu về dân số dự án mới dự kiến tại Phần I.1. Quy mô dân số - diện tích (trang 14) với số liệu quy mô dân số tại Quyết định 3787/QĐ-UBND đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt; Rà soát lại việc đánh số trang, tên gọi của các Chương, mục trong Thuyết minh báo cáo, như Chương IV: Giải pháp thiết kế mạng lưới hạ tầng kỹ thuật (trang 27), Chương V: Đánh giá tác động môi trường (trang 155),...
Tại Báo cáo thuyết minh trang 19-21: Đề nghị rà soát lại và thống nhất số liệu về chiều cao từng tầng, tầng tum và mái cho phù hợp với chỉ tiêu đã phê duyệt tại Quyết định số 5099/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của UBND Tp. Cẩm Phả.
Thứ ba, đối với phần diện tích đất dự án 3,88ha nằm trong vùng đệm, khu vực II di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tại hồ sơ Thuyết minh báo cáo khả thi (trang 169-187) và báo cáo tại Biên bản khảo sát thực địa, trong đó: khoảng 0,91ha đất xây dựng nhà ở xã hội (phát triển quỹ nhà ở) và 0,75 ha đất xây dựng nhà ở thấp tầng (05 tầng); phần lớn diện tích còn lại trong vùng đệm của di sản khoảng 2,22ha thiết kế là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cải tạo cảnh quan cho khu vực dự án, phát huy giá trị của di sản thiên nhiên thế giới và đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo đơn vị có liên quan cần có giải pháp thiết kế và thi công phù hợp để giảm thiểu tác động tới tổng thể cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đề nghị đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về mật độ xây dựng cũng như tầng cao xây dựng tại khu vực này nhằm đảm bảo không gây hạn chế tầm nhìn ra biển cũng như khả năng tiếp cận biển của khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương.
Trước đó, về việc triển khai Dự án Khu đô thị 10B tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, ngày 20/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC về việc góp ý kiến thỏa thuận Khu đô thị 10B Cẩm Phả, Quảng Ninh (gọi tắt là Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC) đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện một số nội dung trong quá trình nghiên cứu, triển khai Dự án, cụ thể: về sự tuân thủ theo các quy hoạch, tổ chức lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng, trong quá trình triển khai Dự án thường xuyên giám sát, kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tránh tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, theo thông tin từ một số cơ quan báo chí phản ánh, cho thấy tại khu vực dự án, việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước Vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp bảo vệ môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái của khu vực danh thắng Vịnh Hạ Long. Để hạn chế tác động xấu ảnh hưởng tới di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan của tỉnh:
Phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra thực tế tại khu vực dự án, để đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ các giá trị di sản.
Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm các nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tại Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC, trong đó đặc biệt lưu ý quá trình nghiên cứu, triển khai Dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) (Thông tin chi tiết xin tìm hiểu cụ thể tại website của IUCN: https://cmsdata.iucn.org/downloads/iucn_advice_note_environmental_assessment_18_11_13_iucn_template.pdf).
Bộ VHTTDL cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh thông tin rộng rãi đến các cơ quan thông tin đại chúng về nội dung, quá trình triển khai, thực hiện Dự án nói trên, đồng thời làm rõ những mục tiêu đặt ra của dự án trong tổng thể định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.
Đối với nội dung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao cơ quan chuyên môn khẩn trương lập quy hoạch Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ngày 06/10/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4217/BVHTTDL-DSVH góp ý Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương hoàn thiện Nhiệm vụ lập Quy hoạch để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.