- Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa ra mắt tài liệu Thông tin du lịch tháng 10/2023. Trong đó cập nhật, phân tích về kết quả đón khách du lịch cùng thông tin tổng hợp về các hoạt động, sự kiện nổi bật diễn ra trong tháng.
Tháng 10/2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Khách nội địa: tháng 10/2023 đạt 5,2 triệu lượt, trong đó có 3,7 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 10 tháng đầu năm đạt 98,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023 với 2,9 triệu lượt; thị trường Trung Quốc đạt 1,3 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Tính riêng lượng khách từ 2 thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp theo là Mỹ (thứ 3): 667 nghìn lượt, Đài Loan (thứ 4) 606 nghìn lượt, Nhật Bản (thứ 5): 469 nghìn lượt.
Xếp ở 3 vị trí tiếp theo trong tốp đầu là 3 thị trường khu vực Đông Nam Á, gồm có: Thái Lan (392 nghìn lượt); Malaysia (372 nghìn lượt); Campuchia (326 nghìn lượt). Tiếp theo là thị trường Úc và Ấn Độ cùng đạt 314 nghìn lượt. Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (206 nghìn lượt), Pháp (169 nghìn lượt) và Đức (159 nghìn lượt). Thị trường Nga đạt 98 nghìn lượt.
Cũng theo báo cáo, Trong tháng 10/2023, hầu hết các những thị trường lớn đều tăng trưởng, trong đó Hàn Quốc (+3,4%), Mỹ (+8,9%), Trung Quốc (+6,8%). Động lực lớn đến từ thị trường Thái Lan (+35,1%), Đài Loan (+18,7%), Úc (+17,2%), Ấn Độ (+15,5%). Các thị trường chính ở Châu Âu tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt so với tháng 9, gồm có: Anh (+12,9%), Pháp (+11,6%), Đức (+16,7%). Một số thị trường khác quy mô nhỏ nhưng có mức tăng khá cao như: Đan Mạch (61,7%), Thụy Sĩ (+54,1%), Phần Lan (+42,8%), Thụy Điển (+30,3%)...
Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch được coi là một điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo Báo cáo Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% trong mức tăng trưởng chung của GDP nền kinh tế. Tổng cục Thống kê đánh giá, các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn trong tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó có dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.
Tháng 10 diễn ra nhiều sự kiện nổi bật trong đó có Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10; Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út ký kết Chương trình hành động trong lĩnh vực du lịch; Việt Nam tham dự Đại hội đồng Tổ chức Du lịch thế giới lần thứ 25 và Hội chợ Triển lãm Du lịch Trung Quốc - ASEAN 2023; hàng loạt hoạt động nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam - Nhật Bản; Nhật Bản cấp thị thực điện tử cho công dân Việt Nam đi du lịch theo đoàn, có hiệu lực từ 01/11/2023; Trung tâm Thông tin du lịch và Maggi - Nestlé Việt Nam xác lập Kỷ lục Việt Nam với bản đồ trực tuyến công thức món ăn lớn nhất được đóng góp bởi cộng đồng.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, tháng 10, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như Việt Nam lần thứ 7 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2023). Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp được bình chọn là Điểm đến Spa tốt nhất châu Á (2022-2023). Hà Nội được bình chọn là Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 và Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023. Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) đón nhận Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UNWTO.
Tài liệu cũng cung cấp thông tin về quản lý nhà nước mới ban hành, trong đó có Bộ VHTTDL đề nghị Lâm Đồng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Bộ VHTTDL cũng có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Bên cạnh đó là các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra quốc tế, chuyển đổi số trong ngành du lịch, dự kiến kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2024… cũng được tổng hợp trong tài liệu tháng này.