Nhiều người nghĩ rằng quà tặng Tết Trung thu chỉ là bánh kẹo cho trẻ em, đèn ông sao, bánh trà cho người già, song ngần ấy vẫn chưa đủ… bởi mùa thu còn đó là cả một mùa thơ.
Có lẽ không ai không biết đến những bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Cảnh thu vàng với cái se lạnh chuyển mùa khiến tâm hồn con người nhạy cảm hơn với thiên nhiên. Những suy tư, những cảm xúc cũng từ cảnh vật gợi hứng mà thành thơ. Bài “Thu Vịnh”, Nguyễn Khuyến viết: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/Một tiếng trên không ngỗng nước nào/Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.
Tôi đã từng ghé về thăm ngôi nhà cũ của đại thi hào Nguyễn Khuyến và đứng bên ao thu trước nhà, nhìn những con cá rô đớp bèo khi những cành trúc vàng rủ bóng bên bờ ao.
Hàn Mặc Tử thao thức với mùa thu: “Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi/ Nằm gắng đã không thành mộng được/ Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi” (Buồn thu). Cái hiu hắt trong thơ Văn Cao: “Một mùa thi/ Một mùa thi/ Lá rơi rơi rụng buồn chi lá vàng” (Thu cô liêu).
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có rất nhiều câu thơ về mùa thu đẹp nao lòng: “Người lên ngựa, kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”.
Mùa thu của chiến thắng trong thơ Nguyễn Đình Thi một thời ai cũng thuộc: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới" (Đất nước).
Trung Thu cũng là dịp Bác Hồ thường làm thơ cho nhi đồng.
Năm 1951, Bác Hồ làm thơ gửi thiếu nhi, có những câu: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.
Trung thu những ngày ấy, trẻ em thường đợi để được nghe “quà thơ” của Bác. “Thu này Bác gửi thơ chung/Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần” (Thơ gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 1953).
Nhiều người nói với tôi: “Chưa bao giờ Tết Trung thu được tổ chức long trọng như hiện nay”. Nhiều tổ dân phố, khu dân cư, chung cư, thôn xóm tổ chức Trung thu cho trẻ em. Một nghệ sĩ ảo thuật nói: “Cứ dịp Trung thu là giới nghệ sĩ ảo thuật cháy sô, vì các trường học, các phường mời đi diễn cho các em xem, vui trăng rằm”.
Trước vài tháng, các cửa hàng đã bán bánh Trung thu. Bánh ngày nay làm ngon hơn, có khi đóng vào hộp quà tặng như món hàng xa xỉ. Nhưng, nhiều bài báo, diễn đàn cũng đặt ra câu hỏi: “Trung thu có còn dành cho trẻ em?”. Những món quà Trung thu đắt tiền được các đối tác dành tặng cho khách VIP… đã qua tuổi nhi đồng từ lâu.
Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn vẫn rất đáng kể. Trẻ em thành phố biết tới hương vị của bánh Trung thu dát vàng làm từ vi cá, bào ngư giá hàng triệu đồng. Trẻ em nông thôn vùng sâu vùng xa nhiều nơi vẫn cặm cụi tự làm đèn ông sao từ giấy vụn.
Tết Trung thu, trăng rằm tháng Tám không dành riêng cho ai, không dành cho riêng tuổi nào, bởi trăng tròn đã là biểu tượng cho sự toàn vẹn, đầy đủ. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng đều có trăng rằm của mình. Song xã hội và đất nước sẽ ngày càng phát triển nếu người lớn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ.
Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/trung-thu-banh-va-tho-post1573387.tpo