- UBND tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức khai trương Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại tham quan khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc).
Khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là khu hợp tác xuyên biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc có diện tích 400ha (phía Việt Nam 200ha, phía Trung Quốc 200ha), trong đó phía Việt Nam từ mốc biên giới 831 đến mốc 837, phía Trung Quốc từ mốc 829 đến mốc 837.
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương. Ảnh: BTC |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới. Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định Hợp tác Bảo vệ và Khai thác Tài nguyên Du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thể hiện thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.
Việc tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) khẳng định sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hài hòa lợi ích giữa hai nước, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh/khu nói riêng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Đây cũng là nội dung quan trọng theo đúng tinh thần đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước ghi nhận tại Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân dịp chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10-1/11/2022), Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (từ ngày 25-28/4/2023) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ ngày 25-28/6/2023).
Thác Bản Giốc. Ảnh: Lam Nguyên |
Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là tiền đề để đưa Khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt - Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.
Phát biểu tại lễ vận hành thí điểm, ông Miêu Khánh Vượng - Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho biết, trong cuộc gặp gỡ của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã nhấn mạnh hai nước Việt Nam - Trung Quốc cần nỗ lực, sớm đưa vào thí điểm vận hành Khu cảnh quan Thác Bản Giốc - Đức Thiên. Qua đó, xây dựng mô hình hợp tác qua khu vực biên giới, du lịch xanh.
Việc thí điểm vận hành Khu cảnh quan Thác Bản Giốc - Đức Thiên là thỏa thuận đầu tiên trong hợp tác qua biên giới. Đây là hoạt động mở đầu cho những hợp tác cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; tiếp tục hợp tác phát triển du lịch xanh qua biên giới; thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của nhân dân hai nước.
Thời gian vận hành thí điểm Khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là 01 năm, bắt đầu từ 09:00 giờ Hà Nội (10:00 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến hết 16:00 giờ Hà Nội (17:00 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024. Du khách hai bên qua lại Khu cảnh quan tại lối qua lại khu vực Mốc 834/1.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất nhập cảnh để đi vào khu cảnh quan hai bên. Thực hiện đăng ký trước theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Thời gian dừng chân của mỗi đoàn không vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép. Du khách phải đeo thẻ du lịch trước ngực trong quá trình tham quan, khi quay về phải trả lại thẻ. Mỗi nước được quyền lựa chọn công ty lữ hành có đủ điều kiện, năng lực theo quy định để tổ chức đón, đưa khách tại khu cảnh quan theo quy định.
Trong thời gian vận hành thí điểm, miễn thu vé vào cổng đối với du khách từ phía Việt Nam đi vào phía Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác phải tự chi trả theo chi phí thực tế. Du khách từ phía Trung Quốc vào Việt Nam mua vé với mức giá 70.000 đồng/người/lần (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các chi phí dịch vụ khác).
Trong quá trình vận hành thí điểm, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, hoàn thiện cơ chế vận hành cũng như có thêm sự đầu tư về cảnh quan, môi trường để khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.