- Sáng ngày 21/06 ( tức mùng ⅘ âm lịch), tại Hoàng Thành Thăng Long diễn ra chương trình “Tết đoan ngọ Thăng Long xưa” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tổ chức nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc. Chương trình bao gồm 2 hoạt động chính là trưng bày và thể nghiệm nghi lễ cùng với không gian check in lung linh, cổ kính.
Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ (Đoan Dương) được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất. Cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm, từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc thân thương đều hân hoan đón tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông.
Nghi thức cung đình được tái hiện một cách chân thực và sinh động. Trong chương trình lần này bên cạnh lễ “ban quạt” được duy trì, ban tổ chức còn tái hiện lễ dâng hương, tiến phẩm. Đây là hai trong bốn nghi lễ Tết Đoan Ngọ quan trọng của triều đình thời Lê Trung Hưng.
|
Tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế |
|
Thực hiện dâng lễ phẩm lên các vị tiên đế |
|
Các vị khách mời dâng hương |
|
Thực hiện cắt băng khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa 2023”. |
Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, bính lính, nô tì, tiểu giám... Ân điển ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.
|
Đến với chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện đầy màu sắc về tục giết sâu bọ của nghệ sĩ ẩm thực Ánh Tuyết. |
|
Khách mời thưởng thức những món ăn truyền thống do nghệ nhân Ánh Tuyết giới thiệu. |
|
Theo quan niệm dân gian, cơm rượu hội tụ ngũ vị có thể làm cho các loại "sâu bọ" ký sinh trong cơ thể người "say rượu" mà chết đi, chính vì vậy đó là món ăn “linh hồn” không thể thiếu của ngày tết. |
|
Mận, vải,… là các loại trái cây không thể thiếu trong tục giết sâu bọ |
Các nghi lễ của hoàng cung trong ngày tết Đoan Ngọ thời Lê lần đầu tiên được Trung tâm trưng bày diễn giải một cách có hệ thống, sinh động và chân thực thông qua hệ thống pano, tranh vẽ, đặc biệt là phỏng dựng không gian cung đình trầm mặc cung kính, thiên tử uy nghi ngự trên ngai rồng thiết triều, đề thơ lên quạt và truyền ban thưởng quạt cho các quan.
|
Nghệ nhân Lân Tuyết hướng dẫn các em nhỏ làm quạt giấy. Chiếc quạt giấy không chỉ là vật để làm mát, che nắng… mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. |
Ngoài ra, khu trưng bày tết Đoan Ngọ truyền thống thường niên với những phong tục độc đáo của người dân kinh thành Thăng Long xưa như tục đeo túi thơm, buộc chỉ ngũ sắc, bôi hùng hoàng cho trẻ em, tục hái lá thuốc vào giờ ngọ, tục kết ngải hình con giáp,... vẫn được duy trì thông qua việc tái hiện hình ảnh thu nhỏ của phố Hàng Quạt, Hàng Mụn, Hàng Thuốc.
Các hoạt động tái hiện nghi thức, trưng bày triển lãm vô cùng độc đáo góp phần giữ gìn và tiếp nối truyền thống văn hoá dân tộc, khơi gợi cảm hứng trong lòng người trẻ.
Thùy Dương