- Sáng sớm ngày 21/6, đúng ngày đầu tiên của Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, hiện tượng mũ mây và đốm mây toả ánh hào quang tựa viên ngọc trên đỉnh núi Bà Đen khiến người dân và du khách vô cùng hoan hỉ.
Mũ mây trùm trên đỉnh núi Bà Đen sáng 21/6, với hiện tượng “mây ngọc" ngay tại tượng Phật Bà - Ảnh: Hải Triều |
Ngay từ 6 giờ sáng, đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) đã được bao trùm đĩa bay mây – một hiện tượng mây thấu kính hiếm có trên thế giới, nhưng lại khá thân thuộc tại núi Bà. Điều khiến người dân bất ngờ là đốm sáng dạ quang trong suốt xuất hiện ở tầng trên của mũ mây, nhìn từ xa tựa viên ngọc toả ánh hào quang vô cùng ảo diệu.
Chị Vũ Thu Hà (TP.HCM) cho biết: “Sáng nay, tôi đi Tây Ninh từ rất sớm để dự Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, hi vọng sẽ được chứng kiến mũ mây kỳ thú. Vậy mà quá bất ngờ khi tôi không chỉ được ngắm mũ mây, mà còn được chiêm ngưỡng đốm sáng kỳ diệu toả sáng như viên ngọc phía trên đám mây thấu kính. Nhìn từ xa không khác gì một viên xá lợi Phật đang phát quang với hai màu xanh ngọc và vàng cam vô cùng kỳ ảo. Tôi thấy mình quá may mắn và nhận được hồng phước trong đúng ngày lễ Vía quan trọng này”.
Hiện tượng mũ mây xuất hiện tại núi Bà Đen sáng 21/6 |
Theo tấm ảnh chụp được từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy rõ núi Bà Đen được bao phủ bởi cả trùm mũ mây bồng bềnh, với “mây ngọc” toả ánh sáng từ bức tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn cao nhất trên đỉnh núi. “Đây thực sự là một khoảnh khắc vô cùng ảo diệu, như thể tôi đang nhìn thấy Phật Bà phát quang, vừa đẹp mắt, vừa thiêng liêng” – Anh Hải Triều (Tây Ninh), tác giả của bức ảnh cho hay.
Không chỉ khiến người dân và du khách thích thú trước hiện tượng “mây ngọc”, núi Bà Đen còn liên tục xuất hiện nhiều hiện tượng mây hiếm trong dịp Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu năm nay. Đặc biệt, sáng ngày 20/6, nhiều tia mây bất ngờ toả ánh sáng kỳ ảo trên đỉnh núi Bà Đen khiến nhiều người liên tưởng đến hiện tượng mây xà cừ siêu hiếm trên thế giới. Nhân viên tại KDL Sun World Ba Den Mountain cho hay: “Chiều ngày 20/6, lần đầu tiên tôi chứng kiến những tia sáng mây cực kỳ ảo diệu trên đỉnh núi. Những tia sáng này không chỉ trong suốt, mà còn toả áng sáng lóng lánh. Đứng ở các góc khác nhau sẽ thấy tia sáng có màu khác nhau”.
Mây xà cừ được cho là hiện tượng cực hiếm chỉ xuất hiện trên bầu trời ở một số khu vực khí hậu cực lạnh như châu Nam cực, Alaska hay Scandinavia. Theo các giải thích khoa học, trong điều kiện cực lạnh của mùa đông vùng cực, thì các đám mây tầng bình lưu có thể hình thành. Do độ cao lớn của chúng và độ cong của bề mặt trái đất, các dạng mây này sẽ nhận được ánh sáng mặt trời từ dưới đường chân trời và phản xạ chúng xuống mặt đất, tạo ra ánh sáng rực rỡ ngay trước rạng đông hay sau hoàng hôn. Hiện tượng mây siêu hiếm này được gọi là “mây xà cừ”, thường hình thành ở mức nhiệt độ âm. Vì vậy, sự xuất hiện của các tia sáng mây xà cừ trên đỉnh núi Bà Đen cao nhất Nam bộ được cho là “vô tiền khoáng hậu”.
Cùng với mây xà cừ, sự xuất hiện của “mây ngọc” vào đúng sáng sớm ngày đầu tiên của Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất với người dân Nam bộ, khiến rất nhiều Phật tử và du khách xem đây là một điềm lành hiếm có. Chị Phan Thị Thuý (Bình Dương) chia sẻ: “Hằng năm tôi đều thu xếp thời gian để về núi Bà Đen tham dự Lễ vía Bà, tỏ lòng tôn kính và hồi hướng về công đức của Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát. Thật bất ngờ năm nay tôi vừa được chiêm ngưỡng hiện tượng mây ngọc, vừa được chiêm bái ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca trên đỉnh núi. Thực sự tôi cảm thấy như nhận được rất nhiều hồng ân, vô cùng mãn nguyện”.
Không gian khu vực chùa Bà được trang hoàng trong Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu |
Được tổ chức kéo dài từ ngày 21-23/6, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu hút hàng ngàn Phật tử và du khách về với núi Bà Đen năm nay. Không chỉ có rất nhiều nghi lễ truyền thống như Trình Thập cúng, Tắm Bà, múa Lân, múa Mâm vàng, giảng pháp về Linh Sơn Thánh Mẫu…, những hiện tượng mây kỳ thú càng khiến núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh hàng đầu Nam bộ.
P.V