Những quy định mới về quản lý người nổi tiếng trên mạng được kỳ vọng có tính răn đe mạnh mẽ hơn, hạn chế các nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức, tạo nội dung độc hại.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Quyết định 512 liên quan đến "Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025". Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là quản lý người nổi tiếng trên mạng.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng quy trình xử lý, như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Dự kiến quy trình này sẽ được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hoàn thành vào tháng 10 tới.
"Người nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi có nội dung độc hại không chỉ bị chặn gỡ, xử phạt mà còn có những hạn chế cấm sóng, cấm mạng, cấm biểu diễn tiếp theo. Như vậy, nó mới đủ sức răn đe. Khi họ làm các sản phẩm như vậy tung lên thì với các quy định xử phạt hành chính hiện hành và gỡ bỏ không đủ có sức răn đe đối với các nghệ sĩ ấy, vì họ kiếm được lợi nhuận cao hơn. Dự kiến, trong quý II chúng ta sẽ ban hành được quy chế phối hợp đó và áp dụng không chỉ với nghệ sĩ mà còn các KOLs, những người tham gia trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, làm sao có tính răn đe với những người có suy nghĩ rằng đóng tiền phạt để tung sản phẩm lỗi, tạo scandal để nổi tiếng", ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông – chia sẻ.
Ngay khi vừa mới ban hành, Quyết định 512 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ công chúng. Thậm chí, nhiều người cho rằng, quy trình xử lý người nổi tiếng phạm luật, lệch chuẩn cần phải làm ngay chứ không cần đợi đến tháng 10. Bởi trên thực tế, một bộ phận nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đã có những hành vi phản cảm, thậm chí vi phạm thuần phong mỹ tục cả ở ngoài đời và trên mạng xã hội. Trong khi đó, sức ảnh hưởng của họ với công chúng là rất lớn. Với lượng fan đông đảo, phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa, hay hành vi vi phạm pháp luật của nghệ sĩ, người của công chúng sẽ gây tác hại lớn, đặc biệt là với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Mới đây, một gương mặt rất nổi tiếng trên mạng xã hội là DJ Thái Hoàng vừa bị công an bắt giữ về hành vi tàng trữ ma túy trái phép. Trước đó, DJ Thái Hoàng là một gương mặt nổi tiếng trong làng nhạc remix, vinahouse với 303 nghìn lượt theo dõi trên Facebook và 165 nghìn lượt theo dõi trên Tiktok. Những bản nhạc do DJ Thái Hoàng remix phổ biến khắp các trang mạng xã hội thậm chí là viral tạo thành trend trên Tiktok.
Điều đáng nói là trong các clip cắt ra từ những buổi livestream chơi nhạc của DJ Thái Hoàng, người xem đã nhận ra những hành động kỳ lạ của anh như: mắt lờ đờ, tay chân vung vẩy, có biểu hiện bồn chồn, mất tập trung, liên tục cúi xuống làm gì là đó. Và dù nghi ngờ những hành động kỳ lạ của DJ Thái Hoàng là biểu hiện của việc sử dụng chất kích thích công khai nhưng cư dân mạng lại thản nhiên tiếp nhận, coi đó là việc bình thường thậm chí là ủng hộ.
Trước đó, dư luận đã nhiều lần bày tỏ bức xúc khi thấy những nghệ sĩ lên mạng quảng cáo sai sự thật, hay dùng những ngôn từ phản cảm để tranh cãi với người dùng mạng xã hội, hay thậm chí là livestream chửi bới. Đáng nói là những bài đăng hoặc những buổi live này thường thu hút lượng tương tác lớn, và nhiều người dùng lại để lại những lời bình luận mang tính ủng hộ, khen ngợi. Sau những thị phi, nhiều người lại càng nổi tiếng với hàng loạt show diễn, dự án phim ảnh, hợp đồng quảng cáo…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, văn bản này dựa trên tinh thần kêu gọi ý thức từ nghệ sĩ là chính, không có chế tài xử phạt. Điều này dẫn đến thiếu tính răn đe trong quá trình áp dụng. Do vậy, việc dự kiến ban hành quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử gây ảnh hưởng xấu đến xã hội được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thực chất, khi tác động trực tiếp tới danh tiếng và đời sống của nghệ sĩ, buộc họ phải tự soi lại chính mình.
Trên thế giới, việc cấm sóng các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức không phải là chuyện hiếm. Tại hai quốc gia châu Á có nền văn hóa phát triển là Trung Quốc và Hàn Quốc, việc hạn chế các nghệ sĩ có ảnh hưởng xấu đến công chúng đã góp phần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, để việc ươm mầm, phát triển cho một không gian văn hóa với bản sắc riêng, có giá trị tích cực.
Đã là muộn khi đến nay các cơ quan chức năng mới có các biện pháp quyết liệt để Quản lý người nổi tiếng trên mạng. Nhưng muộn còn hơn không. Các chế tài nghiêm khắc được áp dụng sẽ giúp ích rất lớn trong việc thanh lọc môi trường mạng xã hội. Một môi trường vốn đang có nhiều điều nhiễu nhương, lộn xộn trong ứng xử như hiện nay. Trong đó, không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng phải chịu một phần trách nhiệm.
Theo VTV
https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/han-che-phat-song-bieu-dien-tac-dong-truc-tiep-toi-danh-tieng-va-doi-song-cua-nghe-si-20230505120340057.htm