- Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/03, kỉ niệm 5 năm Nhà Trưng bày Hoàng Sa khánh thành và hoạt động 28/03/2018, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa tổ chức Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” Từ 24 – 31/03 tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa nhằm tái hiện bức tranh chân thực về truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân.
Triển lãm lần đầu tiên công bố gần 100 Châu bản về biển đảo Đà Nẵng ở chính nơi có những con người, địa danh và sự kiện đã diễn ra, và truyền thống vươn khơi bám biển của các bậc tiền nhiên trong suốt 143 năm triều Nguyễn đến công chúng. Bố cục triển lãm được chia thành 3 chủ đề chính: Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng – vị thế giao thương quan trọng của khu vực miền Trung ở thời nhà Nguyễn; Hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam thời nhà Nguyễn; Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ở thời nhà Nguyễn.
Ngày nay, khi nhắc đến Đà Nẵng là chúng ta nghĩ đến một thành phố biển đáng sống. Trong lịch sử, vùng biển Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước ta. Từ đầu thế kỉ XIX, Đà Nẵng đã trở thành thương cảng lớn nhất miền Trung. Nơi đây vừa là tâm điểm của những chuyến hàng hải, vừa là nơi diễn ra quan hệ ngoại giao không chính thức giữa triều đình Huế với các nước phương Tây. Đồng thời, Đà Nẵng có vị thế đặc biệt, là nơi “hải cương trọng địa”, có cửa biển “tối vi xung yếu”, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự, quốc phòng.
Bên cạnh đó, câu chuyện về đội “hùng binh” hàng năm băng sóng vượt gió tới xứ Hoàng Sa và những binh dân triều Nguyễn ngày đêm vươn khơi bám biển là lời khẳng định của tiền nhân về chủ quyền đối với vùng biển đảo này. Đó không chỉ là câu chuyện của lịch sử mà còn là sợi chỉ gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai.
P.V