Nguyễn Thị Oanh mang về tấm HCV lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường châu Á sau khi đánh bại 7 VĐV rất mạnh khác tại đường chạy 1500m nữ.
Màn tranh tài giành HCV châu Á của Nguyễn Thị Oanh |
Tối ngày 11/2, Nguyễn Thị Oanh bước vào tranh tài nội dung 1500m tại giải điền kinh trong nhà vô địch châu Á 2023 tổ chức tại Kazakhstan. Chân chạy của Việt Nam xuất phát ở đường chạy số 8, cạnh tranh cùng 7 VĐV khác đến từ Nhật Bản, Kazakhstan, Kuwait, Kyrgyzstan…
Mặc dù là VĐV có thể hình thấp nhất trong số các thí sinh tranh tài ở cự ly này, “ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh có những bước chạy cực kỳ thanh thoát và luôn giữ mình ở top giữa trong phần lớn thời gian thi đấu. Đây là chiến thuật hợp lý giúp chân chạy sinh năm 1995 tiết kiệm sức.
Khi chỉ còn 2 vòng đấu, Nguyễn Thị Oanh tự tin bứt lên dẫn đầu cuộc thi. Với những bước chạy tốc độ và đầy mạnh mẽ, Nguyễn Thị Oanh bỏ xa 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp người Nhật Bản và Kazakhstan để băng băng về đích đầu tiên với thời gian 4 phút 15 giây 55 và giành HCV châu lục. Lần lượt về nhì và ba ở cự ly này là Yume Goto (Nhật Bản, 4 phút 19 giây 29) và Akbayyan Nurnamet (Kazakhstan, 4 phút 21 giây 31).
Đây mới chỉ là tấm HCV thứ 3 trong lịch sử thể thao Việt Nam tại giải điền kinh trong nhà châu Á. 2 tấm HCV trước đó lần lượt thuộc về Trương Thanh Hằng cự ly 800m năm 2010 và Bùi Thị Thu Thảo nhảy xa 2018. Một chiến tích đầy ý nghĩa cho Nguyễn Thị Oanh cũng như điền kinh Việt Nam.
Giải điền kinh trong nhà vô địch châu Á 2023 quy tụ hơn 500 VĐV của 31 quốc gia châu Á, tranh tài ở 26 nội dung. Tuyển Việt Nam tham dự với 4 VĐV là Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Lương Đức Phước và Nguyễn Trung Cường. Đây là giải đấu quốc tế duy nhất trước khi các tuyển thủ sang Campuchia thi đấu SEA Games 32.
in vui tiếp tục đến với điền kinh Việt Nam khi ở nội dung 400m nữ diễn ra sau đó, bà mẹ 1 con Nguyễn Thị Huyền xuất sắc mang thêm về tấm HCB danh giá.
Ngay từ lúc xuất phát, Nguyễn Thị Huyền đã liên tục duy trì vị trí thứ 2, bám sát VĐV dẫn đầu là Elina Mikhina. Tuy nhiên với lợi thế về sải chân cùng thể hình lý tưởng, nữ VĐV của Kazakhstan vẫn về nhất với thời gian 54 giây 07.
Trong khi đó, Huyền về nhì với thành tích 54 giây 67. Về thứ 3 là Sri Maya Sari (Ấn Độ) với thời gian 54 giây 88. Dù vậy, việc giành HCB tại đấu trường châu lục cũng là chiến tích rất đáng khen với Nguyễn Thị Huyền. Đây cũng mới là tấm HCB thứ 3 trong lịch sử giải đấu này của điền kinh Việt Nam.
(Theo CADN)