- Từ 26/8 đến 01/9 tại không gian Mây Artspace sẽ diễn ra Triển lãm “BroA” của Nhóm Bro-Active.
Nhóm Bro-active gồm bốn hoạ sĩ là các gương mặt rất trẻ: Vương Thế Quân (199x), hoạ sĩ Phạm Thế Vinh (199x), hoạ sĩ Hoàng Thiện Phúc (199x) và điêu khắc gia Lê Phi Hùng (199x). Họ là những người bạn đã gặp gỡ và cùng nhau hình thành một sân chơi riêng để được tự do theo đuổi những suy nghĩ cá nhân trên con đường sáng tác nghệ thuật, cũng như để được cùng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm việc. Trong suốt thời gian kéo dài của dịch COVID-19, nhóm thường có những cuộc gặp gỡ online để trò chuyện và trao đổi về sáng tác, phần còn lại của ngày được dành để làm việc cho đến khi hoàn thành những tác phẩm trong đợt triển lãm.
Thế Vinh và Thiện Phúc trong những màu sắc sống động mang bóng dáng của pop art, được xây dựng trên sự cấu thành của chất liệu tổng hợp. Thế nhưng câu chuyện của hai họa sĩ mang đến lại có sự tương phản rõ ràng. Một Thế Vinh với những đám đông, tổ hợp mang tính kết nối để gửi vào đó một điệu châm biếm về sự vận động của xã hội đương thời hay ẩn đằng sau đó là sự biến chuyển tâm lý của cá nhân trong thời cuộc. Một bên khác, Thiện Phúc lại mang đến một cá thể đầy suy tư, mang ý niệm của một kẻ trong cuộc nhưng cũng lại là người quan sát mọi thứ một cách tĩnh lặng bằng tâm tư đầy trúc trắc. Có thể nói rằng tranh của cả hai họa sĩ khi đặt cạnh nhau, dưới một cách nhìn cá nhân, chính là một chỉnh thể mô tả mối liên hệ giữa con người và xã hội dưới góc nhìn của một vài đôi mắt đồng cảm.
Họa sĩ Thế Quân lại khác hẳn, cũng là một câu chuyện nhưng được tạo ra trong thế giới siêu thực riêng của Thế Quân, một bàn cờ, với những nhân vật vừa là ai đó vừa không là ai cả. Đây không phải là một hình ảnh mới, và bản thân chính nó cũng đã mang nhiều tính ám chỉ về thời cuộc. Tuy nhiên ta vẫn nhớ rằng đây không phải là thế giới của chúng ta, mà là một vùng tồn tại khác với những quy luật khác. Chính sự lấp lửng của một phép ẩn dụ vừa đủ đã mang đến những điều thú vị cho loạt tranh lần này của Thế Quân, và đôi khi, ở đó, ta còn tìm thấy cả một vài điểm dễ thương xuất hiện như để bảo chứng cho sự trẻ trung và tinh nghịch của một họa sĩ trẻ.
Và thành viên cuối cùng của nhóm, điêu khắc gia Phi Hùng, một đại diện cho ngôn ngữ tạo hình đầy tính đương đại với vật liệu kim loại nhưng lại dùng để diễn tả những cơn mơ của loài người, thứ vốn dĩ đầy mơ hồ và bất định. Sự tương phản giữa vật liệu và ý niệm được trung hòa một cách dịu dàng dưới sự sáng tạo và làm việc của Phi Hùng. Cơn mơ trong lòng thành phố hay những lý lẽ dây dưa trói chân mình một chỗ. Chúng ta vì sao lại luôn mơ về một vùng trời khác dù thực tâm không ai muốn neo lòng mình vào một đám mây.
M.N