- Trong bối cảnh hạn chế đi lại và cảnh giác cao về vấn đề an toàn, trào lưu du lịch gần nhà đang nở rộ trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kỳ nghỉ (vacation) thường được hiểu là một chuyến đi dài ngày đến những nơi xa trong và ngoài nước, thì staycation sẽ là chuyến du lịch ngay tại thành phố sở tại, hoặc các thành phố lân cận chỉ cách vài tiếng di chuyển. Staycation vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thay đối không khí và thư giãn, mà không tốn quá nhiều thời gian di chuyển.
Mặc dù lượng khách từ trào lưu này không thể bằng lượng khách du lịch quốc tế trước COVID-19, nhưng vẫn tốt hơn là để trống phòng. Trong thời gian cách ly, các khách sạn khó kiếm doanh thu từ phòng trừ khi họ hoạt động như một khu cách ly của chính phủ. Trào lưu staycation là một động lực lớn về mặt tinh thần để các nhà kinh doanh khách sạn.
Ở Trung Quốc, các công ty du lịch và khách sạn đang nỗ lực để khuyến khích du lịch sau nhiều tháng chống dịch. Vì không thể du lịch nước ngoài, đa số người dân đã chọn đi đến những thành phố gần với địa phương của mình để nghỉ dưỡng. Đại dịch toàn cầu khiến thị trường du lịch thế giới rơi vào tình trạng đóng băng, điểm dừng đầu tiên trên con đường phục hồi đầu tiên của ngành khách sạn và du lịch chính là thị trường nội địa.
Ở Việt Nam, sau nhiều tháng đóng cửa, cơn ‘đói’ du lịch cũng đang là động lực thúc đẩy doanh thu cho ngành khách sạn Việt Nam. Các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang cũng đã đông đúc trở lại vào những ngày cuối tuần kể từ khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. Đây là một tín hiệu tốt cho các chủ khách sạn phải đối mặt với hiện trạng phòng trống dài hạn suốt những tháng qua.
Ngoài các chương trình giảm giá hấp dẫn hoặc các gói khuyến mãi, các chuỗi khách sạn cũng cần nghiên cứu thêm để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng nội địa. Đây là thời điểm để các khách sạn thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm các loại hình khác nhau để gia tăng giá trị dịch vụ.
Với việc nhiều thành phố vẫn thực thi chính sách làm việc tại nhà, các khách sạn có thể giữ khách ở lại lâu hơn. Ví dụ, ở Ấn Độ, các khách sạn đã và đang cung cấp các gói “workcation”, nghỉ dưỡng kết hợp làm việc như một biến thể của staycations. Loại hình nghỉ dưỡng này rất thích hợp với những gia đinh có con nhỏ và bận rộn, khi bố mẹ có thể vừa làm việc từ xa, vừa tận hưởng sự thư giãn trong không gian khách sạn.
Mặc dù trào lưu staycation lên ngôi, tuy nhiên từ tình hình thực tế Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh COVID-19 như thời gian vừa qua, để thu hút sự trở lại của khách du lịch, mới đây, ngày 15/10 vừa qua, video clip quảng bá du lịch Việt Nam đã chính thức phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ CNN. Đây là hoạt động mở đầu nằm trong chuỗi các sự kiện quảng bá với thông điệp “Why not Viet Nam” do Tổng cục Du lịch triển khai nhằm góp phần duy trì sự kết nối giữa du lịch Việt Nam và khách quốc tế.
Với mục tiêu duy trì hình ảnh “một Việt Nam thân thiện, hấp dẫn trong tâm trí của khách du lịch quốc tế”, đặc biệt khách từ thị trường nguồn gần, trọng điểm của du lịch Việt Nam trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Tổng cục Du lịch phát sóng clip 30 giây quảng bá về du lịch Việt Nam trên CNN trong vòng 6 tuần, kể từ ngày 15/10/2020. Clip do Tổng cục Du lịch xây dựng với sự tư vấn hỗ trợ của CNN và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).
Với tên gọi “Why not Vietnam”, clip giới thiệu những sản phẩm du lịch và điểm đến hàng đầu của Việt Nam, kết thúc với thông điệp: “When you’re ready to travel again, why not Vietnam?” (Khi bạn sẵn sàng du lịch trở lại, tại sao không phải là Việt Nam nhỉ?). Thông điệp là một lời khẳng định: Ngay khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên toàn cầu, hạn chế về đi lại được dỡ bỏ, du khách sẵn sàng trở lại, du lịch Việt Nam chào đón bạn.
Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế còn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Với việc quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN sẽ góp phần củng cố hình ảnh du lịch Việt Nam, giữ vững thị trường nguồn khách, sẵn sàng phục hồi trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới.
Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, trong lĩnh vực du lịch, do ảnh hưởng của 2 đợt dịch COVID-19 liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2020 nên các chỉ tiêu về phát triển du lịch đều giảm mạnh. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 37,5 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 233.000 tỷ đồng, giảm 53,76% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Lâm